Tổng cục Đường bộ: Không có chuyện chặn cao tốc để ép phương tiện thu phí

Quý Nguyễn/giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trước thông tin cho rằng đơn vị này cố tình chặn đường cao tốc để thu phí của các phương tiện về Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị chiều 15/9, ông Nguyễn Văn Nhi – Phó Tổng giám đốc VEC khẳng định, thông tin mà một tờ báo đưa cho rằng VEC chặn đường, ép lái xe trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình về Hà Nội phải đi đường vòng để thu phí là không đúng sự thật.
Điều chỉnh quy trình thu phí cho phù hợp
“Ngay sau khi thông tin trên được đăng tải, chúng tôi đã kiểm tra và khẳng định thông tin đó không đúng. Chúng tôi đã có báo cáo chi tiết gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói rõ về vấn đề này và ngay trong ngày hôm nay (15/9), Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có văn bản phản hồi tờ báo đăng thông tin này” – ông Nguyễn Văn Nhi khẳng định.
Theo ông Nguyễn Văn Nhi, VEC là DN 100% vốn Nhà nước nên các tuyến cao tốc do VEC đầu tư, quản lý khai thác, thu phí là để hoàn vốn đầu tư cho Nhà nước theo phương án tài chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không phải là dự án BOT.
Nút giao IC3 cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua địa phận huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Nguồn: Internet
Bên cạnh đó, các tuyến cao tốc do VEC quản lý hiện nay cũng đều thực hiện thu phí kín. Chính bởi vậy, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, VEC đã điều chỉnh quy trình thu phí trên 2 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài – Lào Cai cho phù hợp.
Cụ thể, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chuyển từ thu phí kín sang thu phí lượt tại một số trạm thu phí. Còn cao tốc Nội Bài – Lào Cai tạm dừng thu phí tại trạm Km6, các phương tiện được miễn phí chặng Trạm Km6 – IC3 ở cả hai chiều nhưng các chặng còn lại vẫn thu.
Để thuận lợi cho công tác thu phí tại các chặng còn lại trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai, VEC đã điều chỉnh lại công tác phân luồng giao thông và đảm bảo thu phí cho 238km còn lại.
Với cách làm này, các phương tiện sau khi trả phí với chặng đường đã di chuyển có thể tiếp tục lộ trình vào đường cao tốc cũng trong phạm vi nút giao IC3 để đi về Km6 (hoàn toàn miễn phí) hoặc di chuyển vào hướng Khu công nghiệp Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc).
“Trước khi điều chỉnh quy trình thu phí trên 2 tuyến cao tốc trên, VEC đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan có liên quan. Việc thu phí đang thực hiện trên 2 tuyến cao tốc này mà VEC đang thực hiện là hoàn toàn đúng quy định, không có chuyện VEC chặn cao tốc để ép phương tiện để thu phí cao tốc của các phương tiện về Hà Nội” – ông Nguyễn Văn Nhi khẳng định.
Tạm dừng chứ không miễn phí
Trong khi đó, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng khẳng định, "không có chuyện chặn đường, ép lái xe để thu phí". Cụ thể, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị chiều 15/9, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc tạm dừng thu tại các trạm thu phí nằm trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng chỉ là một biện pháp để phòng chống dịch Covid-19 chứ không phải miễn phí.
 Không có chuyện VEC chặn đường cao tốc để thu phí phương tiện về Hà Nội. Ảnh: VEC cung cấp
“Tạm dừng thu không đồng nghĩa với miễn phí. Tạm dừng có nghĩa là vẫn phải thu phí nhưng do các trạm nằm trên địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội, không có phương án nào để vừa thu phí vừa đảm bảo phòng chống dịch nên phải tạm dừng thu phí” – đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói.
Về cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đây là tuyến cao tốc đi qua nhiều địa phương. Hà Nội là địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng nên không thực hiện thu phí. Tuy nhiên, do cao tốc này thực hiện thu phí kính, các phương tiện đi từ các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ Yên Bái, Vĩnh Phúc đều phải lấy thẻ thu phí vào cao tốc nếu không có chốt chặn tại Vĩnh Phúc sẽ không thu được phí.
“Việc chặn ở nút giao IC3 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giúp đơn vị quản lý cao tốc thu được phí đối với phương tiện đi từ nút giao đi tỉnh Lào Cai. Còn những xe không có thẻ thu phí khi đến các trạm thuộc tỉnh khác thì được xác định xe đi từ Hà Nội để thu phí. Các làm này là phù hợp và đúng quy định” – đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói.
Đối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, giới hạn để thu phí đối với đoạn không thực hiện giãi cách xã hội là trạm thu phí Đại Xuyên. Tuyến cao tốc này cũng thu phí theo hình thức thu phí kín, trong khi chỉ tại trạm Đại Xuyên mới có đường ra vào cao tốc.
“Từ trạm thu phí Đại Xuyên đến địa bàn tỉnh Hà Nam, là địa phương không thực hiện Chỉ thị 16 khoảng gần 5 km. Trạm Đại Xuyên dù thuộc địa bàn TP Hà Nội nhưng vẫn thu vì đây là tạm dừng thu chứ không phải là miễn phí” – đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.
Trước đó, thông tin được đăng tải trên báo về phản ánh của tài xế cho rằng trong thời gian TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, VEC cho “chặn” toàn bộ chiều đường chạy về Hà Nội tại đoạn qua cầu vượt Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) nhằm thu phí những phương tiện về Hà Nội nhằm mục đích không bị thất thu.
Cụ thể, VEC yêu cầu các phương tiện đi vào tỉnh lộ 310 (Vĩnh Phúc) và thực hiện thanh toán phí tại trạm IC3, sau đó được hướng dẫn vòng trở lại cao tốc để chạy về hướng Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần