Sáng 17/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.
Người Việt Nam chi 3 tỷ USD mua nhà tại Mỹ?
Đại biểu Phạm Đình Cúc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề, thời gian qua, thông tin trên báo chí phản ánh người Việt Nam chi 3 tỷ USD mua nhà tại Mỹ. Xin Thống đốc cho biết số liệu này có phải là lượng ngoại tệ chuyển từ Việt Nam sang Mỹ để mua bất động sản hay không? Cơ chế kiểm soát, giám sát dòng tiền ra nước ngoài hiện nay của Ngân hàng nhà nước thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, về thông tin mua bất động sản tại Mỹ cũng không có cơ sở để khẳng định con số này là dòng ngoại tệ chuyển tiền ở Việt Nam ra để mua bất động sản tại Mỹ. Vì hiện nay số liệu người Việt Nam mua bất động sản tại Mỹ là do hiệp hội quốc gia, các chuyên viên địa ốc của Mỹ công bố, được thực hiện qua phiếu điều tra. Ở đây số liệu có thể là người Việt Nam định cư ở Mỹ nhưng chưa có quốc tịch Mỹ thì họ cũng tính vào người nước ngoài. Công dân Việt Nam nhưng sinh sống ở các quốc gia khác và đến Mỹ mua nhà thì cũng được tính là người Việt Nam.Thống đốc cho biết thêm, về tình hình đầu tư ra nước ngoài, riêng lĩnh vực bất động sản hiện nay đã có 43 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký là 920 triệu, chiếm khoảng 4,3% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Trong đó có 17 dự án đầu tư vào Mỹ, với tổng số vốn đăng ký 270 triệu USD, chiếm 1,3 tổng số đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Đến nay, số vốn đầu tư thực tế chuyển qua Mỹ của các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản chỉ khoảng 215 triệu USD. Trong năm 2017 có 3 dự án được cấp phép đầu tư sang Mỹ với số vốn đăng ký là 15 triệu USD.Hiện nay, chúng ta đã có cơ chế kiểm soát khá đầy đủ. Đã kiểm tra giám sát hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài thông qua việc ban hành các quy định về trách nhiệm tổ chức tín dụng được phép. Ngoài ra, trên cơ sở Luật Phòng, chống rửa tiền cũng phải quy định báo cáo các giao dịch và đặc biệt có các quy định về xử phạt hành chính trong các vi phạm về chính sách chuyển tiền ra nước ngoài. Trên thực tế, các quy định về quản lý ngoại hối và quy định pháp luật có liên quan cũng đã kiểm soát chặt chẽ các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, nhưng trên thực tế cũng có thể có một số trường hợp vẫn lợi dụng các quy định của pháp luật để chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài qua các trung gian chuyển tiền. Do đó, Ngân hàng nhà nước và một số cơ quan chức năng sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ để kiểm tra phát hiện và xử lý các vi phạm, hạn chế các trường hợp chuyển tiền bất hợp pháp qua các trung gian.
Giảm bớt thời gian phiền hà cho khách hàng vay vốnTại phiên chất vấn, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt vấn đề về việc thế chấp vay vốn hiện nay người dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chủ yếu dùng tài sản cố định như bất động sản để thế chấp vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn khi thực hiện việc thế chấp. Thống đốc cho biết các giải pháp tháo gỡ để cho người dân và doanh nghiệp thuận tiện trong thế chấp bất động sản trong ngân hàng?Trả lời câu hỏi, Thống đốc cho hay, đúng là có những bất cập trong thế chấp bất động sản. Vì hiện nay, ngoài quy định phải định giá của các tổ chức tín dụng người dân cũng phải thực hiện các thủ tục đăng ký thế chấp ở cơ quan, bộ phận công chứng. Những địa bàn vùng sâu, vùng xa hoặc có những nơi không có công chứng, công chứng ở xa chỗ người dân thì cũng có phần cản trở và gây mất thời gian, tương đối phiền hà. “Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện đúng các quy định về công khai, minh bạch của Ngân hàng nhà nước, đồng thời có những biện pháp cụ thể để cải cách hành chính, tiết giảm chi phí, giảm bớt thời gian phiền hà cho khách hàng vay vốn”, Thống đốc cho hay. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành thông tư về các thủ tục, trong đó thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận. Ngân hàng Nhà nước rất mong các địa phương sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện triển khai quyết liệt các nội dung quy định tại thông tư của Bộ Công thương liên quan đến cấp giấy chứng nhận tài sản trên đất để làm sao đẩy nhanh được thủ tục cấp giấy để làm cơ sở làm thế chấp. Đồng thời, thời gian tới hệ thống ngân hàng sẽ có phối hợp với các cơ quan công chứng để làm sao đẩy nhanh tiến độ cấp giấy và làm các thủ tục về công chứng tài sản để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn trong việc thế chấp bất động sản.