Không có “vùng cấm” trong hoạt động quản lý thị trường

Theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) có phạm vi hoạt động, đối tượng kiểm tra, kiểm soát rất lớn, phức tạp và ảnh hưởng nhiều đối với phát triển kinh tế-xã hội. Do vậy, người cán bộ phải có đủ năng lực, kinh nghiệm, đạo đức, phẩm chất chính trị, bản lĩnh vững vàng, sức khỏe, kiên quyết không có “vùng cấm” trong hoạt động quản lý thị trường.

Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường về tình hình đấu tranh ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và hoạt động kiểm tra, giám sát của Tổng cục.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương)
Nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp
Xin ông cho biết dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại thường tập trung ở nhóm hàng nào, địa phương nào?
Ông Trần Hữu Linh: Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, phá hoại và ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, sức khỏe con người, vật nuôi cây trồng, cản trở năng lực sáng tạo của các doanh nghiệp có uy tín trên thị trường.
Đặc biệt là nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu có uy tín.
Bên cạnh nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả cả các mặt hàng được tiêu thụ tốt do trong nước sản xuất, giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam để đưa hàng từ nước ngoài vào trong nước tiêu thụ.
Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất đa dạng.
Đối với hàng hoá đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ; đối với hàng hoá không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với đa số người lao động có thu nhập thấp thường được sản xuất, lắp ráp, pha chế, sang chiết ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề… Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Qua kiểm tra và xử phạt, nhóm mặt hàng được các đối tượng tập trung làm giả chủ yếu gồm: Thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồ thời trang, đồ gia dụng, điện tử-điện máy, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, phân bón, xe đạp điện, xe máy điện, mũ bảo hiểm…
Và, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục “tuyên chiến” với nạn hàng giả, hàng nhái này.
Ông vừa nói đến việc hàng giả, hàng nhái các thương hiệu uy tín. Có thể thấy, càng thời điểm cuối năm, mặt hàng “xách tay” như quần áo, mỹ phẩm… xuất hiện tràn lan trên thị trường và được các chị em ưu tiên lựa chọn vì giá cả phải chăng, và là “đồ hiệu”. Thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để đưa hàng “xách tay” về Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Hữu Linh: Hàng “xách tay”, trong đó mặt hàng mỹ phẩm không nhãn mác chiếm tỷ trọng lớn được nhập lậu hoặc làm giả rồi đưa vào Việt Nam trước đây thường theo cách thức nhập hàng qua chính ngạch hoặc theo con đường tiểu ngạch như vận chuyển thông qua đường tàu hoả, hoặc những người vận chuyển địa phương bằng đường bộ, sau đó đi bằng xe tải về các khi chứa hàng tập trung ở các tỉnh, trước khi được chia nhỏ về Hà Nội, TPHCM.
Tuy nhiên, những năm gần đây, lực lượng biên phòng kết hợp với QLTT tiến hành bắt giữ nhiều cơ sở và phương tiện vận chuyển chứa hàng giả và hàng lậu nên phương thức vận chuyển và kinh doanh nhóm hàng này có nhiều thay đổi.
Tại khu vực biên giới phía bắc, nguồn hàng nhập về Việt Nam vẫn chủ yếu là hàng giả. Cá biệt, có những nơi còn xuất hiện việc mở xưởng đóng gói tại chỗ, nguồn nguyên liệu bán thành phẩm và bao bì được vận chuyển qua biên giới sang Việt Nam theo những kiện khác nhau để tránh chú ý với cơ quan chức năng. Khi sang các địa phương này, hàng giả được hoàn thiện và đóng gói, sau đó được vận chuyển và tiêu thụ tại Việt Nam. Khi về đến Hà Nội và TPHCM, những người kinh doanh sỉ hàng giả sẽ tiến hành dán nhãn phụ tiếng Việt vào bao bì sản phẩm để phù hợp với yêu cầu pháp luật và tránh sự kiểm soát của cơ quan QLTT.
Ngoài ra, có một số lớn lượng hàng xách tay được thẩm lậu qua đường hàng không.
Cán bộ phải liêm chính, kiên quyết không có “vùng cấm”
Sau khi thay đổi cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Quản lý thị trường ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, liên tục là kiểm tra, phát hiện, xử phạt gian lận thương mại, Tổng cục hướng đến việc nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý kiên quyết không có “vùng cấm”.
Là người đứng đầu, ông đã thực hiện việc giám sát thi hành công vụ này như thế nào? Làm thế nào để việc này đi vào thực tiễn lâu dài, không dừng ở việc “hô khẩu hiệu”?
Ông Trần Hữu Linh: Tôi hiểu rằng lực lượng QLTT có phạm vi hoạt động, đối tượng kiểm tra, kiểm soát rất lớn, phức tạp và ảnh hưởng rất lớn với việc phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì vậy, lĩnh vực QLTT cần phải được đổi mới trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Người cán bộ làm công tác QLTT cần phải đảm bảo các nguyên tắc: Có đủ năng lực, kinh nghiệm, đạo đức, phẩm chất chính trị, bản lĩnh vững vàng, sức khỏe và hướng tới có sự đột phá, sáng tạo. Cán bộ QLTT, bên cạnh nhiệm vụ chính về thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính thì còn phải có khả năng theo dõi, tổng hợp, dự báo diễn biến tình hình thị trường, đối tượng, quy luật, phương thức, thủ đoạn của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại trên thị trường.
Cán bộ QLTT sẽ phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất và nêu cao đạo đức công vụ.
Trách nhiệm của người đứng đầu sẽ được triệt để tuân thủ. Từng cán bộ kiểm soát viên thị trường phải có trách nhiệm với địa bàn, khu vực mình phụ trách. Từng đội trưởng QLTT phải chịu trách nhiệm đối với địa bàn quận/huyện của mình, cho tới Cục trưởng QLTT phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với tình hình gian lận thương mại tại địa phương đó.
Ông có thể chia sẻ những tâm tư, những trăn trở của mình khi ngồi “ghế nóng” Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT không?
Ông Trần Hữu Linh: Vận hành một tổ chức từ khi mới thành lập luôn luôn gặp nhiều khó khăn, nhất là một lực lượng đông và phức tạp như lực lượng quản lý thị trường.
Đối với tôi, khó khăn, thách thức cũng như trăn trở nhất hiện nay là chất lượng đội ngũ cán bộ của lực lượng QLTT còn không đồng đều, thậm chí có nơi yếu kém. Chính vì vậy, chúng tôi xác định nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý thị trường là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, được triển khai ngay từ khi thành lập Tổng cục.
Trước hết, tôi hướng đến việc chuẩn hóa kiến thức cán bộ kiểm soát viên thị trường thông qua chương trình, giáo trình đào tạo đã được làm xong trong những tháng cuối năm 2018 ở các mức độ: kiểm soát viên, kiểm soát viên chính và kiểm soát viên cao cấp.
Cán bộ được đào tạo chính quy và tập huấn liên tục để cập nhật chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực QLTT được tổ chức thường xuyên ngay quý IV/2018.
Phương pháp tập huấn cũng đã được thay đổi. Chúng tôi thực hiện kiểm tra ngay trong quá trình tập huấn nội bộ. Đối với những cán bộ yếu kém, không đủ năng lực chuyên môn và đạo đức, chúng tôi sẽ kiên quyết loại ra khỏi bộ máy.
Công tác thanh tra - kiểm tra nội bộ sẽ được làm thường xuyên, liên tục và triệt để để tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục trong công tác xây dựng nguồn lực. Đối với những địa bàn quản lý có phát sinh phức tạp, nếu có nguyên nhân do cán bộ yếu kém về bản lĩnh chính trị, năng lực công tác và phẩm chất, đạo đức thì chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý, thay thế.
Năm 2019, công tác nâng cao năng lực chuyên môn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và là một trong những tiêu chí để đánh giá nhiệm vụ của từng kiểm soát viên thị trường.
Xin cảm ơn ông!