70 năm giải phóng Thủ đô

Không còn chuyện “ai là số một”

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan niệm cứng nhắc về vị trí chủ chốt của người chồng trong gia đình, trước hết là ở vai trò trụ cột kinh tế vẫn chi phối lối sống của không ít gia đình. Từ đó, những câu chuyện đáng buồn xây dựng gia đình hạnh phúc cũng nảy sinh.

Câu chuyện buồn
Một người phụ nữ chia sẻ, chị nghe nói nhiều đến bình đẳng giới, đến những người chồng hết lòng ủng hộ sự phấn đấu của vợ. Tiếc rằng điều đó chỉ xảy ra ngoài xã hội, ở nơi nào đó chứ không phải trong gia đình chị. Cuộc sống sung túc của gia đình chị vẫn được bạn bè đưa ra làm một mục tiêu phấn đấu, nhưng nội tình nào ai biết nó đắng cay thế nào.

Anh chị lấy nhau lúc tay trắng. Anh thương con, lo cho vợ từng chút. Sau vài năm anh một mình lo kinh tế, thì giờ đây, các khoản thu chính lại là từ chị. Tiền anh kiếm, chỉ lo chi tiêu cho bản thân. Nhưng cũng chính từ đó, chị mất dần sự chăm sóc của chồng. Anh khó chịu bắt ne, bắt nẹt từng cử chỉ đến lời nói. Chị lỡ lời một chút là anh gầm lên: “Phải rồi, cô giỏi...”. Chị cũng biết, anh vốn là người tốt. Anh không rượu chè, đàn đúm bạn bè... nhưng chỉ có tội duy nhất là "thua vợ" trong việc kiếm tiền mang về cho gia đình. Có lẽ cái ý thức đàn ông quá lớn đã khiến anh trở thành một người tự ti đến quá mức, muốn gồng lên khẳng định mình trước vợ bằng những cách làm tiêu cực. Chị bảo, khi kinh tế đã khá ổn, chị bàn với anh sửa lại cái nhà cho khang trang, anh nhất quyết không đồng ý. Hai vợ chồng to tiếng và chị đau lòng khi người đầu gối tay ấp quát: “Ðừng có nhiều lời, gái phải theo chồng, nhân nhượng để cô đè đầu cưỡi cổ tôi, gia đình tôi à. Không phải cứ xì tiền ra là muốn nói gì cũng được".
 Ảnh minh họa.
Chị bảo, cũng bởi cái tư tưởng đó mà cuộc sống gia đình chị lúc nào cũng căng thẳng và mệt mỏi. Chị luôn tự hỏi, không lẽ, đàn ông cứ phải kiếm nhiều tiền hơn vợ mới thực sự là trụ cột gia đình. Người ta vẫn thường nói của chồng công vợ, tiền của ai chẳng được, miễn là thu nhập chính đáng đó sao. Chị cũng không hiểu mình đã làm gì sai. Bởi sau những giờ làm việc, chị vẫn đi chợ, cơm nước, con cái... theo đúng những điều anh đã nói: “Nội trợ là việc của đàn bà”. Đổi lại, chị nhận được từ chồng không phải là sự cảm thông chỉ là những dằn vặt, mỉa mai bóng gió. Khi chị quyết định thẳng thắn nói cho anh hiểu quan điểm của mình, rằng tiền vợ tiền chồng kiếm về không quan trọng, ít hay nhiều cũng không thành vấn đề, quan trọng là vợ chồng cùng chia sẻ với nhau. Nhưng anh lại nổi đóa lên vì nghĩ rằng mình bị xúc phạm, bị coi thường. Anh tỏ rõ sự chán chường, phiền muộn bằng những bữa nhậu thâu đêm suốt sáng ở ngoài đường. Gia đình chị đã buồn, lại như buồn thêm và chị không hiểu mình còn chịu được bao lâu nữa.

Gạt bỏ sự tự ti

Có lẽ gia đình chị cũng không phải là duy nhất rơi vào cảnh buồn ấy. Không ít người đàn ông vì mặc cảm thua kém vợ trong vai trò trụ cột kinh tế, dù vợ không ai trách móc gì, nhưng tự họ lại luôn thấy mình “hèn kém”, mất vai trò quan trọng trong gia đình. Và bởi cái tâm lý sợ bị coi thường đã khiến họ phải gồng mình lên, phải chửi, mắng, đánh “phủ đầu” để “răn dạy” vợ như cách thể hiện quyền lực. Họ đã không nhận ra rằng, thời nay, vợ chồng không còn “ai là số một” nữa, mà ai cũng có trách nhiệm chăm lo cho gia đình, con cái. Sự đóng góp của cả hai vợ chồng vào kinh tế gia đình, vào việc xây dựng và giữ gìn hạnh phúc cho mái ấm của mình đều cần thiết và quan trọng như nhau.

Nhiều khảo sát về vấn đề này đã chỉ cho rằng, đúng là khi phụ nữ có thu nhập cao hơn chồng thường cảm thấy vướng mắc, thiệt thòi, không được chồng bao bọc, hoặc bị chồng dằn vặt về tội “khi quân”… Và người chồng có vợ giỏi kiếm tiền hơn cũng không hề thanh thản, dễ tự ái, tự ti với vợ, từ đó hay dằn dỗi vợ hoặc tự dằn vặt mình… Nhưng sự bình đẳng giữa vợ chồng cần được hiểu thấu đáo để mỗi thành viên dốc sức làm việc và được phân công đóng góp cho gia đình tùy theo năng lực thực tế chứ không ràng buộc cứng nhắc theo vai trò làm chồng hay làm vợ. Khi đó, những người vợ “giỏi giang” sẽ được các thành viên gia đình thừa nhận, khen ngợi chứ không bị săm soi, xét nét phê phán và những người chồng “khiêm tốn” cũng không cảm thấy kém cỏi, thua thiệt hoặc tự làm khổ thân, làm khổ vợ con...

Thực tế cho thấy, khi các thành viên đều nỗ lực phấn đấu vì gia đình thì công sức của họ dù cao hay thấp, số tiền họ làm ra ít hay nhiều cũng luôn được coi trọng, luôn cần cho hạnh phúc như nhau.