Không còn “vùng cấm” trong xử lý cán bộ

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, dư luận đã chứng kiến và đồng tình trước quyết định thi hành kỷ luật của Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư với một số cán bộ địa phương đương chức và đã nghỉ hưu.

Trong đó, có nhiều sai phạm liên quan đến công tác cán bộ. Nhiều ý kiến cho rằng, qua đây cho thấy sự quyết liệt, không còn “vùng cấm” trong xử lý sai phạm.
Sáng tỏ nhiều vụ việc

Những vụ tiêu cực, tham nhũng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý cán bộ gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại một số địa phương, bộ, ngành thời gian qua đã được liên tục xem xét và đề nghị xử lý nghiêm minh. Một số cán bộ đã nhận những hình thức xử phạt thích đáng dù ở cương vị nào, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu.

Vừa qua, sau kết luận và đề nghị của UBKT T.Ư liên quan đến những sai phạm của ông Ngô Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trong công tác cán bộ, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. Theo nhận định của Ban Bí thư, “vi phạm, khuyết điểm của ông Ngô Văn Tuấn là rất nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần, có hệ thống, kéo theo một số tổ chức Đảng và nhiều cán bộ đảng viên vi phạm, phải kiểm điểm xử lý kỷ luật. Quá trình kiểm điểm, đồng chí chưa nghiêm túc tự phê bình, thiếu thành khẩn nhận khuyết điểm, vi phạm”.

Ông Ngô Anh Tuấn (trái) và ông Phạm Văn Vọng bị kỷ luật do những sai phạm trong công tác cán bộ.

Nhận định về mức kỷ luật này, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng “cơ bản tương xứng với sai phạm”. Như UBKT T.Ư đã thẳng thắn chỉ ra những vi phạm của ông Tuấn có liên quan đến việc “nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh” khi ông còn ở cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng. Đây là sự việc gây ồn ào dư luận trong một thời gian dài, tỉnh đã có kết luận nhưng chỉ xem xét, xử lý kỷ luật ở mức khiển trách. Theo UBKT T.Ư, mức độ xử lý này chưa tương xứng với vi phạm rất nghiêm trọng và có hệ thống đó.

Theo bà Bùi Thị An - nguyên ĐB Quốc hội: Chỉ đến khi UBKT T.Ư vào cuộc sự việc mới rõ ràng mức kỷ luật tương xứng mới được đưa ra. Nhưng cùng với xử lý người vi phạm, cần phải có sự xem xét cả trách nhiệm của cấp ủy Đảng, nơi quản lý cán bộ vi phạm trong một thời gian dài. “Xử lý song song cả hai việc mới làm gương cho các trường hợp khác” - bà An bày tỏ.

Có thể nói, sau quyết định của UBKT T.Ư, nhiều vi phạm trong công tác cán bộ đã được làm sáng tỏ. Có thời điểm, dư luận ồn ào trước con đường “quan lộ” của con trai nguyên Bí thư Quảng Nam Lê Phước Thanh - trường hợp được xem là thăng tiến “thần tốc” với những quyết định bổ nhiệm được ban hành một cách “chóng mặt”. Những câu hỏi quanh việc bổ nhiệm có đúng quy trình không cũng đã có câu trả lời. UBKT T.Ư đã thẳng thắn chỉ ra, ông Lê Phước Thanh đã có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm con trai là Lê Phước Hoài Bảo vào nhiều chức vụ, trong đó có Giám đốc Sở KH&ĐT, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục… Và cùng với đó, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh, ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã bị UBKT T.Ư chỉ ra những sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ và xử tiến hành quy trình xử lý kỷ luật.

Một quyết định cũng nhận được sự đồng tình từ dư luận là việc chỉ ra những vi phạm của ông Bảo, yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức Đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo. Qua đây, một lần nữa cho thấy quyết tâm rất cao trong phòng chống tham nhũng, chống chạy chức chạy quyền, bè phái, cục bộ, lợi ích cá nhân.

Ngăn “tham nhũng quyền lực”

Sự “đúng quy trình” nhưng “toàn sai phạm” đã được chỉ ra liên tục trong thời gian qua trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Nói thẳng là sự nể nang hay đằng sau là những lợi ích nhóm. Điều đáng nói, không chỉ đối với những người đã về hưu T.Ư mà cũng đã có những biện pháp quyết liệt đối với những người đương chức. Cùng với những vụ việc trên, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Phạm Văn Vọng bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 - 2015. Trong những sai phạm của ông, cũng có một phần liên quan đến công tác cán bộ.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng: Trước kia, cùng một vi phạm, nhưng thường ở cấp dưới lại bị xử lý nặng hơn, gây dư luận không tốt. Bây giờ, T.Ư đã quyết tâm với tinh thần “không được nhẹ trên, nặng dưới", bất kỳ ai nếu có khuyết điểm, sai phạm đều sẽ bị “phạt” như nhau. Bên cạnh đó, vừa qua, việc xử lý các tổ chức Đảng “có vấn đề” cũng được chú trọng hơn. Một số vụ việc gần đây cho thấy trách nhiệm người đứng đầu được chỉ rõ, không còn tình trạng chung chung. Tinh thần ấy đã được T.Ư thực hiện với quyết tâm cao, dù là ai, ở cương vị nào, không có bất cứ vùng cấm trong xử lý cán bộ.

Khi bàn về công tác phòng chống tham nhũng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Mai Bộ từng đặt câu hỏi: Có hay không tham nhũng trong bổ nhiệm công chức? Và ông nêu quan điểm là có, vì “theo nguyên lý không có lửa thì không có khói. Người ta nói: Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ, hẳn là có lý!”.

Nhiều ý kiến cũng nhận định, nếu rà soát một cách nghiêm túc, không phải chỉ có một Lê Phước Hoài Bảo hay một “hotgirl xứ Thanh”, có thể còn nhiều những quan chức ở các cấp nhưng vẫn… chưa bị phát hiện. Do quan hệ, do lợi ích dẫn đến ưu ái, rồi lợi dụng quy trình tập thể để bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Quy trình đầy đủ, nhưng cuối cùng cũng là thực hiện ý muốn của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu không công tâm, không vì cái chung sẽ dẫn đến tình trạng đó.

Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Lê Quang Thưởng đã nhận định: Để xảy ra những vi phạm đáng tiếc như ở các tập thể, cá nhân trong kết luận của UBKT T.Ư cho thấy một thực trạng đang tồn tại lỗ hổng trong công tác kiểm soát quyền lực, buông lỏng trong việc kiểm tra, giám sát, giáo dục cán bộ. Đây là bài học nghiêm túc về công tác quản lý cán bộ, tính dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, đặc biệt là việc lựa chọn cán bộ thực sự đủ đức, đủ tài, theo đúng quy trình nghiêm minh, chặt chẽ.
Những quyết định này thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng để làm trong sạch nội bộ. Đảng đã rất nghiêm túc, thể hiện không có bất cứ “vùng cấm” nào, dù người vi phạm có giữ trọng trách cao đến đâu cũng bị xử lý. Tuy nhiên, để kiểm soát quyền lực cần bổ sung những quy định cụ thể như thông qua cơ chế những người giám sát; thông qua hệ thống quản lý cán bộ quy định trách nhiệm của từng cấp và được giám sát bởi cấp trên, thanh tra, kiểm tra để xử lý.

Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư 

Lê Quang Thưởng
Chính sự thiếu minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ đã dẫn đến những hậu quả này. Đây là bài học lớn cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Quy trình bổ nhiệm vô cùng quan trọng, nhưng cần sự công tâm và vào cuộc thực sự của các tổ chức đoàn thể, của cấp ủy, tuyển chọn công khai mới tránh được việc “quy trình đúng” nhưng “cán bộ sai”.

Nguyên ĐB Quốc hội
Bùi Thị An