Thất bại của một mô hình
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tổng nguồn vốn đầu tư chợ trong giai đoạn 2008 - 2012 khoảng 13.267 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ hoạt động xã hội hóa chiếm 62,89%.
Để hỗ trợ việc cải tạo nâng cấp chợ, ngành công thương đã đưa ra mô hình trung tâm thương mại (TTTM) gắn với chợ truyền thống và được áp dụng ở Hà Nội và Thái Nguyên, tuy nhiên nhưng khi mô hình này đưa vào hoạt động đã không hiệu quả như mong muốn. Thực tế cho thấy, sau khi Hà Nội cho phép chuyển đổi chợ Hàng Da, Cửa Nam sang hoạt động theo mô hình chợ - TTTM, hoạt động kinh doanh gần như tê liệt, gây nhiều lãng phí.
Theo ông Phan Tiến Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, do diện tích dành cho chợ truyền thống trong mô hình này quá nhỏ chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người mua bán cũng như phương tiện ra vào chợ. Giá thuê mặt bằng trong chợ truyền thống ở các dự án này cao so với thu nhập của hộ kinh doanh nên gây khó khăn cho người buôn bán. Mặt khác, giữa chợ truyền thống và TTTM có đặc thù khác nhau nên tạo sự cạnh tranh trên vị trí thương mại đối với cùng một sản phẩm hàng hóa.
Chợ Cửa Nam sau khi xây dựng thành Trung tâm thương mại đã hoạt động không hiệu quả. Ảnh: Hải Linh
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho rằng: Mô hình này không phát huy được tác dụng là do chưa giải quyết được mâu thuẫn về lợi ích giữa các nhà đầu tư, với các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống. Trong khi nhà đầu tư muốn bảo vệ quyền khi bỏ vốn, còn tiểu thương không đồng thuận, tận dụng lợi thế số đông để đòi quyền lợi. Trường hợp chợ Nghĩa Tân phải hoãn xây dựng, cải tạo, chợ Bưởi các hộ tiểu thương không đóng tiền thuê sạp là những ví dụ điển hình.
Trong khi hệ thống văn bản pháp luật về phát triển, quản lý chợ chưa hoàn thiện, chính sách hỗ trợ đầu tư chợ từ ngân sách Nhà nước chưa được các địa phương thực hiện nghiêm túc thì trong quá trình phát triển hệ thống chợ vẫn còn tồn tại tình trạng xây dựng không có sự thẩm định của Sở Công Thương. Tại một số địa phương, chính quyền không cương quyết xử lý chợ cóc, chợ tạm khiến việc thu hút các hộ kinh doanh gặp không ít khó khăn.
Lựa chọn mô hình phù hợp
Từ thực tế của hoạt động cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ cho thấy không nên áp dụng cứng nhắc một vài mô hình mà cần căn cứ vào điều kiện thực tế, từ đó đưa ra phương án cải tạo phù hợp.
Theo ông Trần Đại Tư, Chủ nhiệm HTX Thương mại dịch vụ Chợ Phủ (huyện Quốc Oai), trong quá trình quy hoạch xây dựng cải tạo hệ thống các chợ phải được bàn định với người dân kinh doanh, tránh dập khuôn máy móc, đầu tư lớn mà không hiệu quả. Bên cạnh đó nếu được cho phép hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp mới yên tâm bỏ vốn và kinh doanh. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng cho rằng, chợ truyền thống là một phần rất quan trọng trong kênh phân phối hiện nay, tuy nhiên, trong quá trình cải tạo, nâng cấp không nên áp dụng cứng nhắc một vài mô hình nhất định mà phải căn cứ nhu cầu và quy hoạch của từng vùng để đưa ra mô hình phù hợp.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đánh giá lại mô hình các chợ khi chuyển đổi để có hướng đi thích hợp với từng vùng và địa phương, qua đó tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và tiểu thương. Bên cạnh đó, trong Đề án Phát triển thương mại trong nước đến năm 2020, Bộ Công Thương cũng đã tham mưu cho Chính phủ tiếp tục duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ truyền thống. Trong đó, sẽ khuyến khích ưu đãi đầu tư đối với các đơn vị đầu tư phát triển chợ hạng II, hạng III tùy theo vị trí, địa điểm, trọng tâm là chợ khu vực nông thôn, miền núi. Riêng với chợ hạng I ở đô thị, ngành công thương tập trung huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong hoạt động cải tạo, xây mới.