Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không đấu giá đất bằng mọi cách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chia sẻ của ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Không đấu giá đất bằng mọi cách - Ảnh 1
Ông đánh giá như thế nào về tình trạng nợ XDCB tại các địa phương hiện nay?

 - Nợ XDCB hiện đang ở mức đáng lo ngại và ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 có hiệu lực từ năm ngân sách 2004, mỗi địa phương được quyền huy động thêm vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nằm trong kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm đã được HĐND cấp tỉnh quyết định nhưng trần không vượt quá 30% vốn đầu tư XDCB trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tỉnh đã huy động vượt mức quy định này, dẫn tới hơn 10 tỉnh có dư nợ XDCB trên 1.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng XDCB nguồn vốn đầu tư công. Ưu tiên tập trung các nguồn lực thanh toán nợ XDCB là việc làm cần thiết và cấp bách để thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Theo báo cáo của nhiều địa phương, trong số nợ đọng XDCB có một phần không nhỏ từ chương trình xây dựng NTM. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?

- Đúng là trong nợ đọng XDCB có nợ từ chương trình xây dựng NTM. Qua giám sát, chúng tôi nhận thấy nhiều xã nợ XDCB tương đối cao, một phần bắt nguồn từ mục tiêu đến hết năm 2015 có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn NTM như kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, phải khẳng định lại rằng, xây dựng NTM là chương trình mục tiêu quốc gia cần hướng đến nhưng việc tổ chức như thế nào thì cần phải có nguồn lực. Việc tổ chức thực hiện, bố trí vốn cho từng hạng mục xây dựng NTM phải tuân thủ theo quy định của Nghị định 92 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng. Nghĩa là không phải thực hiện mục tiêu bằng mọi giá, không có tiền thì vay để tiến hành xây dựng NTM.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Qua giám sát, chúng tôi nhận thấy nợ đọng XDCB trong xây dựng NTM có những lý do khách quan. Về cơ cấu nguồn vốn để xây dựng NTM, ngoài vốn ngân sách phân cấp cho cấp xã, còn có nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ). Các xã thường tính cả nguồn thu từ đấu giá đất với dự báo tương đối khả quan để tiến hành đầu tư nhưng trên thực tế, mấy năm gần đây, bất động sản trầm lắng và cho đến nay chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Bởi vậy, thu đấu giá QSDĐ của nhiều địa phương không đạt như kỳ vọng, dẫn đến nguồn vốn bố trí cho xây dựng NTM không đạt tiến độ đầu tư, phát sinh thêm nợ XDCB.
Theo Chỉ thị 07 của Chính phủ, trước 31/6/2015, các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo chính xác danh mục và số nợ đọng XDCB tính đến hết 31/12/2014 theo từng nguồn vốn. Ông nhận định như thế nào về khả năng xử lý nợ của các địa phương, và hướng giải quyết cho vấn đề này như thế nào?

- Đây quả là nhiệm vụ khó khăn. Vừa qua, chúng ta không quản lý chặt nên để phát sinh nợ đọng XDCB quá lớn, nhất là ở một số địa phương nghèo. Về nguyên tắc, Chính phủ đã phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, trên cơ sở đó có phân cấp nguồn tài chính, tức là phân cấp ngân sách. Theo luật hiện hành, nhiệm vụ chi của cấp nào thì ngân sách cấp đó đảm bảo. Việc phát sinh nợ do ngân sách địa phương thì trách nhiệm trả nợ phải là ngân sách địa phương. Nếu trường hợp số nợ quá lớn thì phải có lộ trình ưu tiên trả nợ trong một số năm. Ngân sách T.Ư phải cân nhắc trong việc hỗ trợ vì nếu sử dụng ngân sách T.Ư để trả nợ sẽ dẫn đến tăng nợ công và bội chi ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, nhiều xã, huyện lo đấu giá đất để trả nợ XDCB. Theo ông, đó có phải là một giải pháp hợp lý?

- Việc đấu giá QSDĐ phải nằm trong kế hoạch được duyệt, phải hình thành dự án có chương trình, dự toán. Nếu đáp ứng yêu cầu này thì việc đẩy nhanh tiến độ đấu giá QSDĐ để có thêm nguồn thu, trang trải nợ đọng XDCB là hợp lý vì nguồn thu từ đất không cho phép tiêu dùng, chỉ được sử dụng để đầu tư. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong áp lực thanh toán nợ, các địa phương cần cảnh giác tình trạng cấp QSDĐ nằm ngoài kế hoạch, quy hoạch bán đất bằng mọi giá, vì làm như vậy là trái với quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn ông!