Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siết quản lý thuế thương mại điện tử:

Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội vừa có văn bản về việc tăng cường quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh, trong đó có các cá nhân kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) như Google, Facebook…

Trong bối cảnh thói quen tiêu dùng thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang trực tuyến, đây được coi là “mỏ vàng” mới của ngân sách Nhà nước.

Kinh doanh trên nền tảng số đóng góp hơn 14.000 tỷ đồng

Theo dữ liệu tại Cục Thuế TP Hà Nội, các DN, cá nhân hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số đã đóng góp cho thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 khoảng 14.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% tổng thu và 10% thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Số thu từ nhóm cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức có thu thập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook, Apple…) có doanh thu và mức đóng thuế cao.

Thông báo hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai thuế thương mại điện tử trên trang web Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Thông báo hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai thuế thương mại điện tử trên trang web Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Năm 2021, Cục Thuế TP Hà Nội đã quản lý chặt chẽ, đầy đủ đối tượng nộp thuế ở 5 nhóm hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Cụ thể, với nhóm có thu thập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook...

Cục Thuế đã đưa vào quản lý 465 cá nhân có doanh thu phát sinh từ nhà thầu nước với số thuế đã nộp 56 tỷ đồng. Nhóm kinh doanh bán hàng online, Cục Thuế đang quản lý dữ liệu của 32.085 địa chỉ bán hàng online qua thu thập thông tin từ trung gian vận chuyển, trong đó 3.388 cơ sở có doanh thu trên 100 triệu/năm. Qua rà soát, Cục đã đưa vào quản lý 1.332 người nộp thuế với số nộp 12 tỷ đồng. Việc triển khai rà soát 2.056 cơ sở bán hàng online còn lại đang được Cục tiến hành.

Thứ 3, nhóm kinh doanh cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng, Cục Thuế đang quản lý dữ liệu của 756 chủ cơ sở với 2.307 địa chỉ cho thuê nhà qua ứng dụng thu thập từ trung gian cho thuê nhà, trong đó có 49 chủ cơ sở có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, doanh thu ước tính 10 tỷ đồng.

Thứ 4, nhóm tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài, Cục đã thu thập và quản lý dữ liệu phát sinh chi trả cho các nhà thầu nước ngoài của 1.447 cá nhân, tổ chức với số tiền chi trả khoảng 46 tỷ đồng, dự kiến số thuế phải nộp là 4,6 tỷ đồng. Cuối cùng là nhóm DN điều hành sàn giao dịch TMĐT.

Tập trung hướng dẫn nhóm các cá nhân, hộ kinh doanh online

Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Viên Viết Hùng cho biết, thời gian qua, Cục Thuế Hà Nội triển khai nhiều giải pháp, trong đó kiên trì tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn để người nộp thuế tự giác thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế. Đối với DN, tổ chức có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài, cơ quan thuế đã quản lý theo luật và DN cũng đã tự giác thực hiện.

Hiện tại, Cục Thuế Hà Nội tập trung hướng dẫn nhóm các cá nhân, hộ kinh doanh - đối tượng khó quản lý hơn. Tuy nhiên, cơ quan thuế cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế có hoạt động TMĐT và có đầy đủ thông tin để kiểm soát, đồng thời tuyên truyền hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích các cá nhân, hộ kinh doanh tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản về việc tăng cường quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh. Theo đó, Hà Nội yêu cầu Cục Thuế TP Hà Nội tiếp tục phối hợp rà soát, nắm bắt, hướng dẫn và đưa vào quản lý thuế đối với các hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số (Google, Facebook…).

Cơ quan thuế Hà Nội là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách mới tới các hộ, cá nhân kinh doanh bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền bảo đảm người nộp thuế hiểu, đồng thuận và thực hiện tốt chính sách mới.

Đồng thời, tập trung nguồn lực, triển khai có hiệu quả các chính sách mới đến từng hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn; thường xuyên rà soát địa bàn và đối chiếu dữ liệu, thông tin quản lý giữa các đơn vị để thực hiện quản lý đúng đối tượng, đúng quy định, gắn với yêu cầu cải cách, hiện đại hóa và chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế. Cục Thuế Hà Nội triển khai áp dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền (thiết bị thanh toán) có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Cũng theo văn bản trên, Sở TT&TT phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế TP Hà Nội để tuyên truyền, phổ biến các nội dung chính sách, quy định mới đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn để các hộ, cá nhân kinh doanh biết, tạo sự đồng thuận trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Bán hàng online 
Bán hàng online 

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn cung cấp thông tin với Cục Thuế TP Hà Nội liên quan đến giao dịch ngân hàng của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử theo quy định.

Trong bối cảnh, hoạt động TMĐT bùng nổ, Cục Thuế Hà Nội sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp chủ động chống thất thu từ lĩnh vực này. Cục tập trung vào công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế để người nộp thuế tự giác thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế.

Tiếp tục triển khai thực hiện các đề án hiện đại hóa của ngành trong công tác quản lý thuế như: Khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử; đồng thời phối hợp với các ngân hàng thương mại đa dạng hóa các hình thức thu nộp thuế không dùng tiền mặt; phối hợp với kho bạc, tài chính hiện đại hóa trong công tác truyền nhận dữ liệu thu nộp ngân sách Nhà nước. Song song với các hình thức hỗ trợ, Cục Thuế Hà Nội cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế đối với các DN, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh TMĐT.

 

Theo đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam” Bộ Tài chính vừa phê duyệt, đối với lộ trình ngắn hạn, từ nay đến hết năm 2023, ngành thuế sẽ tập trung các giải pháp tăng cường công tác quản lý thông qua việc tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ; hiện đại hóa công tác quản lý thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi kết nối thông tin…; thanh tra, kiểm tra, đối chiếu thông tin đối với hoạt động TMĐT.

Đối với lộ trình dài hạn đến hết năm 2025, ngành thuế tăng nghiên cứu xây dựng chính sách thuế đối với dịch vụ số xuyên biên giới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuế, pháp luật chuyên ngành liên quan để đáp ứng quản lý đối với TMĐT.