Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để dịch chồng dịch

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn lại chặng đường sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, người dân Việt Nam đã bắt đầu trở lại với cuộc sống bình thường mới. Song, Covid-19 và việc xuất hiện các biến thể mới vẫn gây ra những thách thức lớn đối với mọi mặt của đời sống xã hội.

Tiêm vaccine cho học sinh tại quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Tiêm vaccine cho học sinh tại quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

“Đi sau nhưng về trước” trong tiêm vaccine Covid-19

Vừa bước ra khỏi cuộc chiến chống dịch Covid-19, ngành y tế đối mặt rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn nỗ lực vượt qua để chăm sóc sức khỏe Nhân dân tốt hơn. Một trong những ưu tiên là có vaccine phòng Covid-19 sớm và thực hiện bao phủ tiêm chủng cho mọi người dân trong độ tuổi thích hợp, kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia đi sau nhưng về trước trong tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên trên tổng dân số tại Việt Nam cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới. Tỷ lệ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Italia. Nhờ “Hành trình an toàn”, Việt Nam hiện đã trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, trong gần hai năm qua, chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, sự đồng lòng, chia sẻ, ủng hộ và tích cực tham gia của người dân trong cả nước. Bên cạnh đó, Việt Nam nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, nhất là UNICEF, WHO trong việc cung ứng vaccine phòng Covid-19 kịp thời. Đặc biệt, chiến dịch “Hành trình an toàn” diễn ra trong hơn 9 tháng qua là một trong những chiến dịch truyền thông hiệu quả, góp phần vào thành công chung của việc tiêm vaccine phòng Covid-19 tại nước ta.

Không chủ quan, lơ là

Trong năm 2022, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội cũng diễn biến phức tạp theo xu hướng chung của thế giới và cả nước nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. TP không ghi nhận các trường hợp dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi hay tái nổi như: Mers-CoV, Ebola, tả, cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, đậu mùa khỉ.

Toàn TP Hà Nội đã ghi nhận 17.208 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 21 ca tử vong. Trước tình hình một số dịch bệnh có xu hướng gia tăng, có nguy cơ xâm nhập vào Hà Nội, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch, đặc biệt là đối với công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục làm tốt vai trò trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thiết lập, duy trì hệ thống cơ sở điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, giảm thiểu tỷ lệ người bệnh tử vong. Triển khai hiệu quả việc quản lý, giám sát người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà. Hiện nay, số lượng người bệnh Covid-19 nhập viện trung bình hàng ngày từ 30 - 40 ca.

Với các dịch bệnh khác, các bệnh viện bố trí đảm bảo giường bệnh, nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị điều trị người bệnh sốt xuất huyết, adenovirus. Cùng lúc ứng phó với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lại thêm bệnh đậu mùa khỉ nguy cơ cao xâm nhập, ngành y đã đưa ra nhiều giải pháp phòng dịch. Trong đó tổ chức tập huấn về chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh sốt xuất huyết, Adenovirus, chân tay miệng cho toàn bộ các bệnh viện, trung tâm y tế.

Thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch, những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại. Do đó, tiêm chủng vaccine vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống dịch hiện nay.

Bên cạnh đó, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên chưa đạt tiến độ tiêm chủng. Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm...