Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không dễ giữ phong độ xuất khẩu năm 2023

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023, xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế với mức tăng trưởng 6%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa dự kiến đạt 393 tỷ USD, tăng thêm 22 tỷ USD giá trị so với năm 2022. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này còn rất nhiều việc phải làm.

Hiện hữu nhiều thách thức

Tình hình xuất khẩu năm 2023 được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo không ít khó khăn khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm áp dụng chính sách Zezo Covid. Trong khi đó, hai thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là châu Âu và Mỹ vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn trong năm nay.

Xuất khẩu năm 2023 dự báo gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh minh họa
Xuất khẩu năm 2023 dự báo gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh minh họa

TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, khó khăn trong năm 2023 có thể gấp nhiều lần năm 2022, bởi đây là thời điểm hệ lụy của tình trạng suy thoái, lạm phát được bộc lộ rõ nét. Ngoài ra, tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam còn phụ thuộc vào diễn biến xung đột, tình hình lạm phát, nhu cầu nhập khẩu của thế giới đối với các loại hàng hóa thế mạnh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, những cú sốc về chuỗi cung ứng làm giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, khiến giá thành sản xuất hàng hóa ở mức cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

“Là nước xuất khẩu lớn, song Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh các nền kinh tế khác có tiêu dùng hoặc đầu tư ít hơn, lượng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 ít nhiều sẽ bị tác động” - TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Phân tích về những khó khăn của cộng đồng DN, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân nhận định, xung đột Nga - Ukraine, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa chấm dứt sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên nền kinh tế các nước.

Trong khi đó, các DN cùng lúc phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc đơn hàng bị cắt giảm, thiếu vốn, tiếp cận vốn khó khăn, lãi vay, tỷ giá ngoại tệ biến động tăng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào vẫn leo thang... Hơn nữa, 3 năm qua, các DN đều chịu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 nên sức chống chịu giảm dần.

Đáng nói, xu hướng hiện nay của một số nhà nhập khẩu là đơn đặt hàng nhỏ hơn, thời gian giao hàng nhanh, có những đơn hàng chỉ cho thời gian sản xuất và giao hàng trong 5 - 7 ngày, chất lượng đòi hỏi cao hơn, đơn giá bị ép khiến giá xuất giảm.

Trong báo cáo đánh giá mới đây Bộ Công Thương cũng xác định xuất khẩu là một trong những trụ cột của nền kinh tế. Nếu tập trung phần lớn tỷ trọng xuất khẩu ở một số thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc trong bối cảnh các thị trường này tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thì xuất khẩu khó đạt mục tiêu đề ra.

Hiến kế đạt mục tiêu tăng trưởng

Đề xuất về giải pháp giữ vững phong độ xuất khẩu, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh cho rằng, trước hết phải đảm bảo yêu cầu chất lượng của hàng hoá xuất khẩu với phương châm “xuất khẩu xanh” và xuất khẩu theo nhu cầu thị trường.

Sơ chế, đóng gói thanh long xuất khẩu. Ảnh minh họa
Sơ chế, đóng gói thanh long xuất khẩu. Ảnh minh họa

Song song đó, cần đảm bảo hàng hóa xuất khẩu được thông suốt với thủ tục xuất khẩu thông thoáng, logistics thuận lợi, nắm vững, cập nhật kịp thời chính sách nhập khẩu của đối tác.

Mặt khác, yếu tố đầu vào cho xuất khẩu cũng cần được chú trọng. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cần đa dạng ở các thị trường, tránh phụ thuộc vào một hay một số thị trường nhất định.

“Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đang tập trung nghiên cứu đối thủ cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Cụ thể, các nước đang thay đổi như thế nào để ứng phó với chính sách áp thuế carbon đối với hàng nhập khẩu vào EU áp dụng từ tháng 10/2023. Trên cơ sở đó, sẽ báo cáo Chính phủ và thông tin cho DN Việt Nam” – bà Lê hoàng Oanh cho hay.

Đối với những ngành hàng nông sản chủ lực, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong năm 2023, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương tổ chức triển khai Diễn đàn kết nối nông sản 970.

Theo đó, các diễn đàn được tổ chức định kỳ tại thực địa và đột xuất để giải quyết những vấn đề mới phát sinh; thông tin kết nối cung cầu đối với các thị trường xuất khẩu thế mạnh như: Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Tại các diễn đàn, sự tham gia của tham tán thương mại là rất quan trọng, bởi họ là sợi dây kết nối các DN trong nước và nước ngoài gặp gỡ, trao đổi với nhau.

Để giữ mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho hay, Bộ Công Thương đang triển khai các giải pháp duy trì đà xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường mới. Đặc biệt tập trung vào một số thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ về đích mức thuế suất bằng 0% trong năm nay.

Khuyến cáo đối với DN, ông Trần Thanh Hải cho rằng, trước tiên DN cần cắt giảm những chi phí không cần thiết, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cần kiên trì bám sát khách hàng, bám sát thị trường, phản ứng linh hoạt với thị trường và đảm bảo việc làm cho người lao động, bảo vệ nguồn lực DN để chống chọi trong bối cảnh khó khăn có thể kéo dài.

 

Bộ Công Thương đang nỗ lực thực hiện các giải pháp khơi mở, đa dạng hóa thị trường để bù đắp sự sụt giảm từ các thị trường truyền thống. Song song đó, những thị trường mới được đẩy mạnh xuất khẩu là khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á và châu Phi.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải