Con số này cho thấy thực trạng hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm SHTT trên địa bàn Hà Nội hiện nay là rất đáng báo động.
Diễn biến phức tạp
Chia sẻ tại Hội thảo “Chống xâm phạm quyền SHTT, bảo vệ thương hiệu trong hội nhập AFTA và TPP” do Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội tổ chức ngày 20/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Công San – Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội khẳng định, tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm SHTT còn nhiều diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nghiêm trọng trong thời gian gần đây.
Hàng giả, xâm phạm SHTT không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau cả chính ngạch và tiểu ngạch. Cũng theo ông San, sản phẩm càng có thương hiệu thì càng bị làm giả, làm nhái nhiều phổ biến là quần áo, giầy dép của hãng Nike, Adidas...; đồ thời trang LV, Gucci...; nước hoa, hóa mỹ phẩm Lancome; điện thoại di động Samsung, Iphone...; hàng gia dụng, công nghiệp, thực phẩm, điện tử công nghệ cao... vẫn hàng ngày thẩm lậu vào thị trường Việt Nam bằng nhiều con đường với phương thức, quy mô khác nhau.
Nguy hiểm hơn, việc kinh doanh sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả có quy mô và số lượng lớn đang tăng lên khó kiểm soát. Một số vụ hàng giả phát hiện cho thấy đã có yếu tố móc nối với cá nhân và tổ chức nước ngoài làm hàng giả, nhất là giả mạo xuất xứ, đưa vào Việt Nam và được tổ chức chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, mặt hàng và đối tượng. Cá biệt hiện nay đã phát hiện được cả những vụ việc do đối tượng là các tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp sản xuất hàng giả tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, lợi dụng cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có đối tượng đặt hàng từ Trung Quốc giả làm hàng trong nước sản xuất để nhập lậu, đưa vào Việt Nam tiêu thụ như: Bánh kẹo sản xuất ở Trung Quốc nhưng là ghi sản xuất ở Hoài Đức, Hà Nội; bóng đèn Trung Quốc nhưng ghi nhãn mác là bóng đèn Rạng Đông...
Đại diện Hãng BMB Nhật Bản (chuyên sản xuất thiết bị âm thanh karaoke) than thở, vấn nạn hàng giả, hàng nhái thực sự là trở ngại rất lớn của DN hiện nay. Các sản phẩm BMB chính hãng đang bị làm giả và làm nhái rất tinh vi. “Họ đã làm giả không chỉ sản phẩm mà cả bảng hiệu, logo, tem nhãn. Tinh vi hơn nữa là trong cách quảng cáo, giới thiệu sản phẩm họ cũng tuyên bố là nhà đại diện chính thức của BMB Nhật Bản, nhà phân phối độc quyền, sản phẩm nhập khẩu chính hãng BMB Nhật Bản từ các quốc gia khác... Người tiêu dùng vì thiếu thông tin hoặc nếu chưa từng tiếp xúc với sản phẩm hàng thật bao giờ sẽ rất dễ bị lừa” – đại diện BMB Nhật Bản bức xúc.
Ứng dụng công nghệ trong cuộc chiến với hàng giả
Tới đây, khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào các Hiệp định thương mại tự do, việc cắt giảm nhiều dòng thuế đối với các nước thành viên TPP sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam do giá thành rẻ hơn, chất lượng và mẫu mã đa dạng, phong phú hơn, đây cũng là cơ hội để hàng nhập lậu và hàng giả trà trộn, thâm nhập vào thị trường nước ta sẽ có xu hướng tăng.
Trước thực trạng này, ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đưa ra giải pháp trong thời gian tới xây dựng các đơn vị chuyên trách phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT từ T.Ư đến địa phương; có chính sách phân bổ ngân sách để các lực lượng thực thi có kinh phí trang trải cho hoạt động chống hàng giả; tiếp tục rà soát, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế chính sách... Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cần được đẩy mạnh...
Nhưng hơn cả là mỗi DN phải quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái. Một trong những giải pháp chống hàng giả được đánh giá là “thông minh” hiện nay là sử dụng Tem VinaCheck. Ông Nguyễn Viết Hồng – Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển khoa học công nghệ Vina cho biết, các loại Tem VinaCheck được ứng dụng khoa học công nghệ kết hợp cùng lúc nhiều công nghệ chống hàng giả thông minh và hiện đại nhất hiện nay như nhắn tin SMS để kiểm tra hàng chính hãng, quét QRCode bằng smartphone kết hợp nhận diện bằng công nghệ nhiệt, công nghệ phát sáng; công nghệ nước hoặc nhận diện bằng máy đọc mã số vạch kết hợp nhận diện bằng đèn cực tím, đèn soi chuyên dụng... Đây sẽ là công cụ, giải pháp chống hàng giả toàn diện, hỗ trợ quản trị và kiểm tra, xác thực hàng hóa, bảo vệ thương hiệu hiệu quả mà tiết kiệm tối đa chi phí cho DN.
Cán bộ Đội quản lý thị trường số 4 Hà Nội thu giữ hàng không rõ nguồn gốc trên phố Thái Thịnh. Ảnh: Thanh Hải
|
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên của tất cả các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, và phải tập trung đấu tranh trên cả 3 lĩnh vực: Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này.
Ông Trần Hùng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia
|