Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để hàng hóa tăng giá đột biến dịp Tết

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nên nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Để đảm bảo nguồn cung, ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý, ngành công thương đang tích cực dự trữ hàng hóa.

Không để thiếu thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán
Từ đầu tháng 12 đến nay, giá thịt lợn hơi trên cả nước tăng từ 1.000 - 7.000 đồng/kg. Cụ thể, tại miền Bắc, giá thịt lợn hơi dao động từ 67.000 - 72.000 đồng/kg, trong đó giá thu mua tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Tuyên Quang và TP Hà Nội lên đến 70.000 - 72.000 đồng/kg. Tại miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, giá thịt lợn hơi dao động trong khoảng 68.000 - 71.000 đồng/kg. Việc giá lợn hơi có chiều hướng tăng trở lại khiến người tiêu dùng lo lắng có thể vượt ngưỡng 100.000 đồng/kg vào dịp Tết.
 Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông. Ảnh: Lê Nam
Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNN về dự trữ hàng phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Trần Quốc Toản thông tin, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Trong đó, mặt hàng thịt lợn tiếp tục đà hồi phục, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng số đàn lợn tháng 11 tăng 12% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt lợn hơi cả năm dự kiến đạt 3.459.300 tấn, tăng 3,9% so năm 2019... Với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt, cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung - cầu không bị thiếu hụt thực phẩm.

Để đảm bảo nguồn cung cho thị trường Tết Nguyên đán, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, Bộ Công Thương đã yêu cầu các DN phân phối thực phẩm phối hợp với các hộ dân, DN chăn nuôi tập trung có phương án bảo đảm nguồn cung cấp lợn thịt cho thị trường, thực hiện việc giảm giá thành phẩm.

Tăng cường dự trữ hàng hóa

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm, ngành công thương Hà Nội đã yêu cầu các DN sản xuất, bán lẻ dự trữ lượng hàng hóa trị giá 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020). Cùng với đó, các DN tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu đã xây dựng (lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19. “Tính đến hết tháng 11/2020, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của TP Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ Nhân dân Thủ đô. Các DN đã xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng 7-22% so với Tết 2020. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng” - bà Lan thông tin.

Thông tin từ Bộ Công Thương, các DN ngành công thương TP Hồ Chí Minh đã dự trữ lượng hàng hóa cho 2 tháng Tết với kinh phí 19.679,7 tỷ đồng, tăng 652,4 tỷ đồng so với Tết Canh Tý 2020, trong đó nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỷ đồng. Ngoài ra, một số tỉnh như Bắc Giang, Cao Bằng, Đồng Nai, Hải Phòng, Đồng Tháp… cũng đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa, bảo đảm nhu cầu thị trường, không để xảy ra tỉnh trạng thiếu hoặc tồn đọng sau Tết Nguyên đán. Song song với đó, Sở Công Thương Hà Nội và các tỉnh, thành theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi để chủ động nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", qua đó hỗ trợ DN sản xuất tiêu thụ, lưu thông hàng hóa.