Không dễ “khai tử” trường yếu kém

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để nâng cao chất lượng đào tạo, trong năm học này, Bộ GD&ĐT sẽ cơ cấu lại một số...

Kinhtedothi - Để nâng cao chất lượng đào tạo, trong năm học này, Bộ GD&ĐT sẽ cơ cấu lại một số trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp gặp khó trong tuyển sinh bằng cách giải thể, sáp nhập, chuyển thành phân hiệu của trường ĐH có uy tín… Giải pháp đưa ra là vậy, song để hiện thực hóa ý tưởng này không đơn giản.

Cơ cấu lại không phải là giải thể

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, cơ cấu theo hướng này là cách sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, đội ngũ giảng viên cũng như giảm thiểu cơ sở không đảm bảo chất lượng. Việc này cũng góp phần đào tạo nhân lực có chất lượng, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động.
Thí sinh nộp hồ sơ tuyển sinh vào Đại học Điện lực tháng 8/2015.	 Ảnh: Phạm Hùng
Thí sinh nộp hồ sơ tuyển sinh vào Đại học Điện lực tháng 8/2015. Ảnh: Phạm Hùng
Ủng hộ quan điểm của Bộ GD&ĐT, theo GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng ĐH dân lập Hải Phòng, qua đây chúng ta có bài  học giữa cung và cầu, đào tạo nhân lực phải đảm bảo chất lượng. Vấn đề hiện tại là thảo luận kỹ việc sáp nhập như thế nào. “Bộ xem xét những tỉnh, TP có nhiều trường thì các ngành nghề cũng phải được điều chỉnh, để từng địa phương có một số ngành nhất định. Còn trường nào cũng đào tạo ngành giống nhau, thì ở đó có 5 trường cũng giống như một” - GS Nghị kiến nghị.

Về giải pháp giải thể trường không tuyển sinh được, rất nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là cách "đối xử" rất vô tình của Bộ GD&ĐT. Bởi, những trường không tuyển được không phải do lỗi của họ. Nếu Bộ khăng khăng làm như vậy là xóa đi cơ hội cho một số trường mới, nhất là trong tình hình hiện nay, việc khuyến khích xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn.

PGS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam ví Bộ GD&ĐT là cha mẹ, các trường ĐH, CĐ là con. Cha mẹ rất vui mừng mỗi khi sinh được đứa con, nhưng lỡ con mình yếu đuối thì phải tìm mọi cách bồi dưỡng, giúp đỡ để phát triển, chứ không thể tìm đến giải pháp “bóp chết”. Việt Nam có 450 trường ĐH, CĐ trên tổng số hơn 90 triệu dân; trong khi Nhật Bản là 1.800 trường trên 120 triệu người, cho nên không thể nói ta có quá nhiều trường ĐH, CĐ.

Cũng có ý kiến cho rằng, giải thể hay sáp nhập các trường chỉ diễn ra khi trường có thỏa thuận với nhau. Khi các trường không có lỗi, thì Bộ chỉ sáp nhập hay khai tử các trường công đang hưởng ngân sách và chủ sở hữu của Nhà nước. Trường tư sở hữu tư nhân, nếu vi phạm quy chế hoạt động thì có chế tài xử lý, nếu không tuyển sinh được trong nhiều năm thì tự nó sẽ giải thể.

Tạo cơ chế cạnh tranh bình đẳng

Câu chuyện Bộ GD&ĐT cơ cấu các trường khó tuyển sinh bằng chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu của các trường ĐH có uy tín cũng không được nhiều trường ĐH công đồng tình. Họ cho rằng đây là cách làm khiên cưỡng. Hiệu trưởng một trường ĐH dược cho biết: “Chúng tôi không đồng ý có thêm phân hiệu là một trường nào đó hoạt động èo uột. Nếu làm theo Bộ là nhà trường đi bán thương hiệu - bao nhiêu năm nay mới gây dựng được. Vả lại, trường bị sáp nhập đào tạo đa ngành, chúng tôi đào tạo đơn ngành, sẽ trở thành phân hiệu kiểu gì?”.

Vấn đề đặt ra trong tình hình hiện nay là tại sao nhiều năm qua, những trường này không tuyển sinh được? TS tâm lý Phạm Mạnh Hà - Phó khoa Công tác Thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đặt câu hỏi: Phải chăng cách tuyển sinh hiện nay làm cho những trường top dưới không tuyển được học sinh? Rõ ràng, tuyển sinh đang có vấn đề. Tất nhiên, hàng năm, một mặt chúng ta mở rộng các trường đào tạo, nhiều cơ sở đào tạo tìm mọi cách để lôi kéo học sinh bằng nhiều hình thức cùng cách thức khác nhau. Đợt thi và xét tuyển vừa qua có vấn đề, đó là Bộ GD&ĐT đã tạo cho thí sinh rất nhiều cơ hội học ĐH. Nhiều thí sinh buông xuôi khi lựa chọn ngành, miễn sao trúng tuyển vào trường nhưng chưa chắc có năng lực theo học. Điều này dẫn đến khi tốt nghiệp không đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, sẽ thất nghiệp hoặc phải đi làm những công việc khác. Đó là điều rất dở.

Quy vào lỗi cụ thể, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) chỉ ra 2 nội dung. Thứ nhất, thuộc về chính sách của Nhà nước. Trường ngoài công lập được mở ra khi nguồn lực của Nhà nước không đáp ứng nổi yêu cầu của người học. Nhưng 10 năm qua, Nhà nước thành lập thêm trường công nhiều gấp 3 - 4 lần trường ngoài công lập. Như thế, trường ngoài công lập trở thành... đồ thừa. Thứ hai, Bộ cho các trường tự xác định chỉ tiêu và các trường công lập, nhất là trường top trên đăng ký số lượng tăng vọt, thậm chí xét điểm trúng tuyển ngang sàn, làm gì còn chỉ tiêu cho trường bậc trung và thấp.

Ngoài những vấn đề đã được chỉ ra, chất lượng đào tạo mới là yếu tố quyết định việc thu hút người học cũng như sự tồn tại và phát triển của các trường. Vấn đề là Bộ GD&ĐT nên có cơ chế để các trường sống và cạnh tranh nhau một cách bình đẳng. Khi đó, các trường không sống tốt thì đóng cửa hay không là do chính bản thân trường, chứ không cần đến bàn tay can thiệp của Bộ GD&ĐT.