Tại Hội nghị này, BCH T.Ư Khóa XII cho ý kiến về việc quy hoạch BCH T.Ư Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm của BCH T.Ư đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018. BCH T.Ư cũng sẽ xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở một số nội dung để T.Ư nghiên cứu, thảo luận, xem xét, quyết định.Bước chuẩn bị quan trọng cho công tác nhân sự cấp cao nhiệm kỳ tớiVề việc quy hoạch BCH T.Ư Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong công tác cán bộ, việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài. Công tác quy hoạch cán bộ nói chung đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo từ sớm và đã được đề cập ở nhiều Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng. Tuy nhiên, việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược mới được thực hiện từ Khóa XI. Khóa XII này, BCH T.Ư khẳng định tiếp tục làm một cách căn cơ, bài bản, chặt chẽ hơn. Sau khi có Kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng quy hoạch, làm từng bước từ dưới lên trên.Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Quy hoạch BCH T.Ư nhiệm kỳ 2021 - 2026 chưa phải là "làm nhân sự" cụ thể cho nhiệm kỳ tới, nhưng là một bước chuẩn bị rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự BCH T.Ư nhiệm kỳ XIII của Đảng. Vì thế, trong quá trình thực hiện phải hết sức thận trọng, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng về công tác cán bộ. Phải thật sự công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực. Tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ.Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Quy hoạch xong BCH T.Ư, mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó mới đến các chức danh chủ chốt. Đồng thời, cần thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm hoặc không đủ tiêu chuẩn để đưa ra khỏi quy hoạch; bổ sung những nhân tố mới đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào quy hoạch. Phát huy đầy đủ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và người đứng đầu trong việc giới thiệu nhân sự quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.Thực hiện Kế hoạch của Bộ Chính trị, trong tháng 11/2018, tất cả 116/116 địa phương, cơ quan, đơn vị được Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo phân bổ cơ cấu, số lượng đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao. Việc phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch đã bám sát yêu cầu của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo; bước đầu đáp ứng cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, địa bàn, lĩnh vực công tác. Các đồng chí được giới thiệu vào quy hoạch đều được các địa phương, cơ quan, đơn vị đánh giá tốt về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; trình độ, năng lực công tác, uy tín và triển vọng phát triển.“Trên cơ sở danh sách gần 250 đồng chí được các địa phương, cơ quan, đơn vị phát hiện, giới thiệu, Ban Chỉ đạo đã phối hợp với các ban Đảng T.Ư rà soát, lựa chọn báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã thống nhất giới thiệu để T.Ư cho ý kiến đối với hơn 200 đồng chí” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ. Đồng thời đề nghị các đồng chí T.Ư phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu thật kỹ Tờ trình của Bộ Chính trị trước khi ghi phiếu giới thiệu. Sau Hội nghị T.Ư, căn cứ vào kết quả giới thiệu của T.Ư, sự rà soát, thẩm định của Ban Chỉ đạo, của các ban Đảng và các cơ quan chức năng, Bộ Chính trị sẽ xem xét, quyết định một bước quy hoạch BCH T.Ư nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo đúng thẩm quyền và các quy định của Đảng.Lấy phiếu tín nhiệm để có thêm thông tin đánh giá cán bộThực hiện chương trình toàn khóa, tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm của BCH T.Ư đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết: Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm thăm dò tín nhiệm, qua đó giúp các đồng chí được lấy phiếu tự nhìn nhận lại mình, để điều chỉnh, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời, giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư - là những chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, cho nên rất hệ trọng và nhạy cảm, liên quan đến uy tín và sự lãnh đạo chung của Đảng. Bộ Chính trị đề nghị các đồng chí T.Ư phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và xây dựng, nghiên cứu thật kỹ Quy định và Tờ trình của Bộ Chính trị, các báo cáo công tác của từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư để thể hiện chính xác chính kiến của mình qua mỗi lá phiếu. Qua đó, góp phần làm cho việc lấy phiếu lần này thật sự dân chủ, khách quan, công tâm, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Theo chương trình Hội nghị lần thứ 9 BCH T.Ư Đảng Khóa XII làm việc trong hai ngày 25 - 26/12.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Quy trình chặt chẽ và dân chủ hơn Qua theo dõi thông tin tôi nhận thấy, việc xây dựng quy hoạch BCH T.Ư nhiệm kỳ 2021 - 2026 lần này có nét mới là quy trình phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị được tăng lên 4 bước, thay vì 3 bước như trước kia. Quy trình như vậy thể hiện chặt chẽ, dân chủ hơn. Sau khi đơn vị giới thiệu, cán bộ chủ chốt địa phương đó cho ý kiến thì thêm một bước là Thường vụ mở rộng cho ý kiến, sau đó mới đến Thường vụ “chốt” danh sách cán bộ quy hoạch giới thiệu lên T.Ư. Tương tự, quy trình giới thiệu ở các bộ, ngành cũng thể hiện chặt chẽ, dân chủ, mở rộng thành phần hơn trước.Bên cạnh đó, tôi thấy có 250 cán bộ trong danh sách được giới thiệu từ các địa phương, bộ, ngành, sau đó T.Ư cho ý kiến rút lại sẽ còn 200 người là phù hợp. Hơn nữa, nhờ quy trình giới thiệu nhân sự đã được mở rộng thành phần tham gia, dân chủ, chặt chẽ hơn, nên người dân kỳ vọng sẽ đảm bảo được nguyên tắc trong nhân sự quy hoạch, đúng tinh thần của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã quán triệt “không để lọt những người có một trong những hạn chế, khuyết điểm vào quy hoạch cấp chiến lược”. (Linh Nguyễn ghi)Bí thư Đảng ủy phường Quang Trung (quận Đống Đa) Nguyễn Anh Tuấn: Sẽ chọn được người đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch Quy hoạch BCH T.Ư Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026 là một bước chuẩn bị rất quan trọng và là cơ sở để T.Ư làm công tác nhân sự BCH của Đảng cũng như kiện toàn bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương cho nhiệm kỳ tiếp theo. Với những kết quả trong công tác lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và BCH T.Ư trong thời gian qua, tôi tin tưởng BCH T.Ư sẽ làm hết sức thận trọng để bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; các quy định của Đảng về công tác cán bộ công tâm và không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn. Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một bước thăm dò tín nhiệm. Đây là một chủ trương đúng đắn mà Đảng đã đề ra và được người dân rất đồng tình, ủng hộ. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ là cơ sở để giúp đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. (Trần Long ghi)Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Mỳ: Bước chuẩn bị vô cùng quan trọng Việc quy hoạch BCH T.Ư nhiệm kỳ 2021 – 2026 là một bước chuẩn bị vô cùng quan trọng. Điều đầu tiên cần chú ý là phải đánh giá đúng cán bộ theo tinh thần xuyên suốt, thường xuyên và đa chiều. Trên cơ sở đó tiến tới việc sàng lọc và tuyển chọn cán bộ. Nhiệm kỳ Đại hội XIII tới cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng rất cao, trong đó xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch vững mạnh, dứt khoát không được để “lọt” những cán bộ sa vào lợi ích nhóm. Đồng thời, ngăn chặn triệt để việc chạy chức chạy quyền. Quy trình xây dựng quy hoạch càng chặt chẽ thì càng cho thấy sự sàng lọc cán bộ từ cấp cơ sở đến cấp T.Ư càng được thực hiện nghiêm túc, khoa học.Có thể nói, việc xây dựng Quy hoạch BCH mặc dù chưa phải “làm nhân sự” cụ thể nhưng lại là bước cực kỳ quan trọng để định hướng và chuẩn bị nhân sự một cách chu đáo, bài bản, khoa học, để xây dựng một BCH đúng như mong đợi của Nhân dân, phù hợp với ý nguyện của Đảng. (Thủy Tiên ghi)Ông Phạm Đình Vịnh - Tổ trưởng Tổ dân phố số 25 (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân): Cán bộ là gốc của mọi công việc Nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng vào việc T.Ư xây dựng quy hoạch cho BCH nhiệm kỳ tới. Chúng ta cần đặt ra tiêu chuẩn để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng trong từng giai đoạn, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp. Đồng thời, Nhân dân cũng luôn sát sao theo dõi công tác cán bộ, việc T.Ư lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng. Do ảnh hưởng của công tác chống tham nhũng, việc T.Ư lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng thể hiện tinh thần trách nhiệm rõ hơn, công tâm, khách quan hơn. Các chức danh lãnh đạo được lựa chọn cũng hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, Nhân dân rất mong các lãnh đạo trong sạch, cố gắng hơn nữa, thể hiện rõ hơn vai trò của mình, gần dân hơn, đáp ứng sự kỳ vọng của Nhân dân. Nếu lãnh đạo không làm tốt nhiệm vụ được giao, sẽ mất đi uy tín của mình. (Hồng Thái ghi) |