Không để nghĩa vụ trả nợ cho đời sau

Hà Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (22/10), Quốc hội thảo luận tại tổ về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, trong đó vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và có hay không nới trần nợ công được các ĐB quan tâm cho ý kiến.

Nhìn lại quá trình tái cơ cấu 5 năm qua, đại biểu (ĐB) Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nhận xét: “Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước hết sức chậm. Trong khi từ nhiệm kỳ trước đã có chỉ đạo là nếu ai chậm trễ thì người đứng đầu bộ, ngành đơn vị đó phải chịu trách nhiệm, sẽ bị mất chức nhưng hết khoá rồi cũng chả thấy ai mất.”

Cũng băn khoăn về kết quả tái cơ cấu còn rất chậm, ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) nhận xét, con đường dài nhất Việt Nam là từ lời nói đến việc làm, như nhiều ý kiến đã đánh giá, quả là dài quá, đi mãi không đến nơi. “Trước kỳ họp này tôi có ký văn bản gửi Vụ thông tin của Quốc hội để xin số liệu về tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nhưng số liệu trả lời thì cụ thể là không có”, ĐB Hùng cho biết.

Trong khi đó, cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ cũng như trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, theo tính toán, trong kế hoạch đầu tư công, Chính phủ tính toán cần 2 triệu tỷ đồng, trong đó T.Ư là 1,2 triệu tỷ đồng còn địa phương khoảng 880.000 tỷ. Đó mới là đầu tư công thôi, còn nguồn lực tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế thì ít nhất cũng phải gấp 5 lần số này mới có thể thực hiện được. Cho nên phải huy động nguồn lực càng nhiều càng tốt, cả nguồn lực trong dân, các thành phần kinh tế chứ không chỉ riêng nguồn lực Nhà nước cho quá trình tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới.

Về vấn đề nợ công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Chính phủ đã tính toán kỹ. “Đúng là trần nợ công quan trọng nhưng không phải là tất cả. Khả năng trả nợ mới là quan trọng! Theo thông lệ thế giới, nghĩa vụ trả nợ của ngân sách nhà nước trên thu ngân sách Nhà nước 25% là rất khó khăn”, Phó Thủ tướng Vương Đình nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết thực tế, năm 2015, nghĩa vụ trả nợ của chúng ta là hơn 27%, kể cả phần trực tiếp chi trả nợ, phần vay để đảo nợ vì năm 2016-2017 là cực đỉnh của nợ. Vì vậy, nếu nới trần nợ công lên thì áp lực trả nợ sẽ lớn hơn rất nhiều.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, để bảo đảm bền vững an toàn nợ công, dứt khoát phải khống chế trần nợ công là không vượt quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài của quốc gia là không quá 55% cho đến tận năm 2020. Đây cũng là quyết tâm của Chính phủ và đã trình với Quốc hội như thế. Để bảo đảm đất nước phát triển thì phải có thể chế để huy động được cao độ nguồn lực. Muốn vậy, Chính phủ đang đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, một mặt, tái cơ cấu đầu tư công thì phải nằm trong tái cơ cấu lại thu, chi ngân sách và bảo đảm bền vững, an toàn nợ công. Ngân sách nhà nước chỉ đầu tư vào những cái thiết yếu, quan trọng, phấn đấu làm sao tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư của toàn xã hội giảm xuống. Mặt khác, chỉ số Icor phải giảm, tức là hiệu quả đầu tư phải tăng lên. Đó là hai mục tiêu đặt ra trong tái cơ cấu đầu tư công thời gian tới. Muốn như thế, phải làm bài bản, khoa học. Qua từng năm, phải siết chặt kỷ luật tài khóa. “Đặc biệt, phải coi tiết kiệm là quốc sách. Cố gắng tăng thu để tăng chi mà chi tiêu là phải trong khả năng của nền kinh tế chứ không để lại nghĩa vụ trả nợ cho đời sau; vay nợ là phải trong khả năng trả nợ chứ dứt khoát không nới trần nợ công” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần