Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để quy hoạch tạo gánh nặng hạ tầng đô thị

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, những tồn tại liên quan đến công tác quản lý, thực hiện quy hoạch đô thị trên địa bàn Hà Nội đã gây ra những hệ lụy, tạo sức ép quá lớn lên hạ tầng đô thị, giao thông nội đô và cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Trước thực trạng này, mới đây, Thành ủy Hà Nội đã có những động thái mạnh mẽ bằng việc ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục vi phạm.

Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng được xây dựng trên một phần đất di dời của Nhà máy dệt kim Đông Xuân (67 Ngô Thì Nhậm). Ảnh: Lê Vũ
Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng được xây dựng trên một phần đất di dời của Nhà máy dệt kim Đông Xuân (67 Ngô Thì Nhậm). Ảnh: Lê Vũ

Nhiều bức xúc

Hoàng Mai là quận nội thành nằm ở cửa ngõ phía Đông Nam Hà Nội, diện tích 41km2. Quận đang có tốc độ đô thị hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng mạnh nhất Hà Nội với hàng loạt khu đô thị (KĐT) và chung cư. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh đang khiến địa bàn đối diện với nhiều khó khăn trong công tác thực hiện và quản lý theo quy hoạch.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng chia sẻ, trên địa bàn quận, nhiều chủ đầu tư của dự án KĐT có quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt nhưng không xây dựng đồng bộ hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như trường học, bãi đỗ xe… mà chỉ tập trung xây nhà để bán.

Đơn cử như dự án KĐT Pháp Vân – Tứ Hiệp, rộng 50ha, đã khởi công xây dựng từ tháng 10/2002, được quy hoạch thành quần thể bao gồm hơn 20 nhà cao tầng, hơn 100 nhà biệt thự, nhà vườn, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí, siêu thị, nhà hàng, bệnh viện, trường học, mẫu giáo nhà trẻ, trụ sở làm việc... Nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống trường học theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, một số KĐT nhà đầu tư thứ phát thực hiện thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Như tại KĐT Bắc Đại Kim mở rộng, các dự án được bán hoặc giao cho nhà đầu tư thứ phát nhưng chủ đầu tư không tiến hành ngay xây dựng công trình hạ tầng dẫn đến tiến độ chậm, chồng chéo, tốn kém trong quá trình thi công. “Các vi phạm trước đây về quy hoạch gây áp lực lên hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của quận, điển hình khu HH Linh Đàm tại phường Hoàng Liệt xây dựng sai so với quy hoạch dẫn đến dân số tăng cao, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, học sinh phải học tăng ca và nhất là khủng hoảng điểm đỗ xe” – ông Đỗ Thanh Tùng nêu.

Tương tự, tại quận Bắc Từ Liêm, Phó Chủ tịch UBND quận Ngô Ngọc Vân cho hay, một số KĐT trên địa bàn như KĐT Thành phố giao lưu (phường Cổ Nhuế 1), khu Ngoại giao đoàn (phường Xuân Tảo)… chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống trường học theo quy hoạch. Nhiều chủ đầu tư chỉ tập trung khai thác quỹ đất trống, còn các khu vực khó khăn về GPMB, khu dân cư cũ liền kề không được đầu tư theo quy hoạch.

Đối với các huyện đang chuẩn bị lên quận, công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan cũng đang gặp nhiều thách thức. Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì Triệu Đình Hiệp cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 11 dự án KĐT mới, khu nhà ở đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, với tổng quy mô trên 200ha đất. Tuy nhiên, các dự án này đang có tiến độ triển khai chậm, cá biệt có dự án KĐT mới Cầu Bươu triển khai đến nay đã gần 20 năm nhưng chưa hoàn thành, gây bức xúc dân sinh. Một số trục đường lớn như Ngọc Hồi, Phan Trọng Tuệ chưa có thiết kế đô thị hai bên tuyến đường nên gặp khó khăn trong công tác quản lý kiến trúc cảnh quan.

Quyết tâm khắc phục những tồn tại

Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan là một trong những vấn đề chiến lược phát triển; là khâu then chốt trong quá trình hình thành bộ mặt đô thị hiện nay và tương lai. Đồng thời cũng là một hoạt động quản lý chính của chính quyền các địa phương để đảm bảo cho đô thị phát triển ổn định, bền vững, tạo môi trường sống thuận lợi cho cư dân đô thị. Do vậy, Chỉ thị số 14-CT/TU được ban hành thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nhằm tạo chuyển biến rõ nét, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch.

Trong đó, đối với công tác quản lý quy hoạch, Thành ủy yêu cầu rà soát, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ, năng lực chuyên môn, năng lực quản lý gắn với quy định trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị và công chức thực thi công vụ. Đồng thời chú trọng hơn công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc gắn với từng đồ án quy hoạch, đảm bảo chặt chẽ, giữ đúng định hướng, mục tiêu ban đầu của quy hoạch.

Để thực hiện tốt nội dung này, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì Triệu Đình Hiệp kiến nghị: “Việc cá thể hóa trách nhiệm nên đi cùng với phân cấp mạnh, giao cấp huyện thực hiện các thủ tục như chấp thuận danh mục, thẩm định phê duyệt kinh phí... qua đó chủ động trong lập quy hoạch chi tiết xây dựng, quy chế quản lý kiến trúc thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, các đồ án thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách huyện. Cùng đó, TP cần tổ chức tuyên truyền, tập huấn các mô hình, cách thức quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại và phù hợp thực tế của từng địa phương.

Đối với đơn vị quản lý Nhà nước, Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, những yêu cầu cụ thể về công tác quy hoạch được nêu tại Chỉ thị số 14-CT/TU được Sở xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Cụ thể, Sở QH – KT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành báo cáo cấp thẩm quyền xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc. Cùng đó đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành lập, thẩm định, trình TP phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, các khu chức năng, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai thực hiện Nhiệm vụ đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (R1-5), sông Đuống (R6). Việc lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu về chất lượng dự báo, có tính khả thi và bền vững trong tương lai, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, tổ chức lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các khu dân cư làng xóm hiện có, cải tạo chỉnh trang, khu vực hai bên tuyến đường giao thông. “Sở cũng đang thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch bằng việc tăng cường thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc, thiết kế đô thị, đặc biệt tại khu vực các quận nội đô lịch sử. Song song với đó, chú trọng công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để người dân giám sát, quản lý quy hoạch” - Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho hay.

 

Chỉ thị số 14-CT/TU của Ban thường vụ Thành ủy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là vào thời điểm hiện nay, TP đang thực hiện đồng bộ khối lượng lớn công việc liên quan đến công tác quy hoạch. Thời gian qua, công tác quy hoạch của Hà Nội đã có nhiều đổi mới, tiến bộ. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu là yêu cầu hết sức quan trọng.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm