Nhiều địa phương có lễ hội lớn ở Hà Nội đã rốt ráo họp bàn để không còn cảnh sư thầy quăng lộc phản cảm ở chùa Hương, chen nhau vào ngắm hoa giả tại Lễ hội hoa hồng Bulgaria và những người bạn tại Công viên Thống Nhất… , và để du khách không bị ám ảnh “tả tơi như chơi hội”.
Du khách phía ngoài được phen hốt hoảng. Cho dù ném lộc chỉ là màn tùy hứng của nhà sư Thích Đạo Trụ nhưng bao nỗ lực làm đẹp lễ hội khơi dòng suối Yến, dọn sạch rác, xếp ngay ngắn thuyền đò của Lễ hội chùa Hương cũng bị lu mờ vì hình ảnh phản cảm trên. Sau sự việc, ban tổ chức lễ hội, những đơn vị quản lý liên quan bị Bộ VHTT&DL, UBND TP, Sở VH&TT nhắc nhở, kiểm điểm lên xuống. Bởi vì, theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy: “Đây là hành động mà chính sư thầy đã tạo ra sự tham, sân, si cho người dân. Hình ảnh này rất phản cảm, không nên xảy ra ở một nơi tôn kính”.
Năm đầu tiên Lễ hội hoa hồng Bulgaria và những người bạn diễn ra tại Công viên Thống Nhất. Trước lễ hội, người dân Hà Nội háo hức vì lời hứa hẹn một vùng trời hoa hồng độc đáo và đặc sắc sẽ được tạo dựng, những khóm hồng chưa từng xuất hiện ở Việt Nam sẽ được trưng bày. Tình trạng “cháy vé” đã xảy ra. Dân “phe vé” được phen hoành hành. Buổi sáng ngày khai mạc, hàng nghìn người xếp hàng ở cổng Công viên Thống Nhất để mong vào lễ hội, rồi thất vọng vì ngắm toàn hoa giả. Những màn biểu diễn lãng mạn bên hoa hồng và rượu champagne chỉ là lời hứa hẹn. Người dân ở Hải Phòng, Hải Dương ngược xuôi hơn 100 kilomet đến Hà Nội dự hội đã hụt hẫng vì cảm giác bị… lừa.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã ký ban hành Công văn số 87/UBND-KGVX yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể TP; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018. Theo đó, thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phân công cán bộ trực tiếp theo dõi diễn biến trong lễ hội trên địa bàn, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội, đặc biệt là các lễ hội lớn: Gò Đống Đa, Chùa Hương, đền Hai Bà Trưng, đền Sóc, đền Cổ Loa, đền Và, chùa Trầm, chùa Trăm Gian, chùa Thầy, Thăng Long Tứ trấn, Phủ Tây Hồ và các lễ hội trên địa bàn TP. |
Hơn 1.000 lễ hội lớn nhỏ của Thủ đô vốn đẹp, giàu truyền thống bị méo mó phần nào từ sự tùy hứng của nhà sư hoặc vì sự hám lợi ích của ban tổ chức. Trong khi những “điểm nóng” của lễ hội năm 2015 và 2016 như tranh cướp lộc ở Hội Gióng (Sóc Sơn), chọi trâu phản cảm ở Phúc Thọ được khắc phục, thì năm 2017 những “điểm nóng” mới lại phát sinh. Chính vì vậy, các đơn vị tổ chức lễ hội rốt ráo lo công tác tổ chức để giảm thiểu những hình ảnh bạo lực chốn đông người.
Sẵn sàng ăn, ngủ cùng lễ hộiTừ cuối tháng 12/2017, nhiều địa phương đã khẩn trương lên phương án hoàn thành tốt việc tổ chức lễ hội. Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương là đơn vị đầu tiên xây dựng kế hoạch tổ chức năm 2018. Từ việc sơn lại thuyền đò, phân luồng tuyến không cho xe trên 16 chỗ di chuyển 2 bên đường suối Yến, sắp xếp trật tự hàng quán từ cổng lễ hội đến động Hương Tích… đều được lên phương án thực hiện. Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết: “Tất cả các phần việc phải được hoàn thành trước 15 tháng Chạp (tức 2/2/2018). Từ tối 1 tháng Giêng (16/2/2018) hàng trăm con người lo công tác tổ chức Lễ hội chùa Hương đã bắt đầu phải “trực chiến”. Ông Hậu cũng tâm sự, đã hơn 10 năm giữ vị trí Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương ông không có cái Tết nhàn nhã cùng gia đình; không đón Xuân, không chúc Tết bạn bè họ hàng mà ăn, ngủ luôn tại Ban quản lý di tích danh thắng Hương Sơn. Và không chỉ có ông Hậu, rất nhiều thành viên Ban tổ chức lễ hội đều phải lo lắng cho sự an toàn của dòng người nô nức trẩy hội. Nhưng, với lượng du khách đổ dồn hàng vạn người/1 ngày, Lễ hội chùa Hương khó tránh khỏi những hình ảnh tiêu cực.
Chiều 11/1/2018, Ban tổ chức lễ hội Gióng (Sóc Sơn) cũng đã tổ chức họp bàn lên kế hoạch tổ chức cho ngày khai hội vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Đoàn hộ tống lễ vật sẽ không gậy sắt, không giáo mác, bảo vệ giò hoa tre, giò trầu cau đến khi dâng lễ đền thượng, đền mẫu là kịch bản đã được đặt ra. Ngoài lực lượng công an mặc quân phục và thường phục, sẽ có hơn 200 đoàn viên thanh niên tạo thành các vòng tròn mềm, phát hiện nguy cơ tranh cướp, giẫm đạp trong phần lễ chính. Ngoài ra, Lễ hội gò Đống Đa cũng lên kịch bản đón các đoàn trong ngày khai hội mùng 5 tháng Giêng. Theo đại diện ban tổ chức, năm nay, lễ hội vẫn đón 29 đoàn của các quận, huyện và 9 đoàn kết nghĩa của các tỉnh bạn. Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lễ hội, quận Đống Đa sẽ tăng cường các biện pháp phân luồng giao thông, hướng dẫn các bến bãi đỗ xe, giám sát an ninh để ngăn việc bán hàng rong diễn ra tại lễ hội.
Vào cuộc ngăn chặn mặt trái lễ hộiĐể chuẩn bị cho mùa lễ hội 2018, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã ban hành các quyết định để chấn chỉnh lễ hội. UBND quận Long Biên ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND về khắc phục những tồn tại, hạn chế; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích văn hóa, quản lý lễ hội trên địa bàn quận. UBND quận yêu cầu rà soát các nội dung công tác quản lý, triển khai đến các phường, khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý di tích và lễ hội; tiếp tục rà soát, kiện toàn các ban quản lý di tích, các tiểu ban quản lý di tích, rà soát điều chỉnh một số tiểu ban quản lý di tích... Trên địa bàn quận Thanh Xuân có 5/11 phường tổ chức lễ hội Xuân như: Lễ hội truyền thống Di tích lịch sử đình Vòng (phường Hạ Đình), đình Giáp Nhất và chùa Quan Nhân (phường Nhân Chính), lễ hội đình Gừng (phường Khương Đình), chùa Khương Trung, hội làng Phương Liệt… Chuẩn bị cho mùa lễ hội 2018, quận Thanh Xuân sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra trước, trong và sau lễ hội tại các phường, đặc biệt là công tác quản lý giá cả hàng hoá, dịch vụ trong dịp lễ hội và xử lý những sai phạm trong công tác tổ chức lễ hội; ngăn chặn tình trạng đeo bám, chèo kéo, nâng giá, ép giá dịch vụ; chấn chỉnh việc đặt hòm công đức, đặt tiền giọt dầu tùy tiện… Hiện nay, Sở VH&TT Hà Nội cũng đã tham mưu cho UBND TP thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện việc kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn.
Phòng “bạo lực” lễ hội là trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, mặt trái của lễ hội lại phụ thuộc nhiều vào ý thức của người đi hội. Chỉ đến bao giờ những vấn đề cuồng hội, đặc biệt là cuồng tín được ngăn chặn thì câu nói “tả tơi như chơi hội” mới không còn là câu nói thường trực khi mùa lễ hội đến.