Ngày 6/3, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị quán triệt nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo 138) và Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo 89).
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các điểm cầu quận/huyện/thị xã và xã/phường/thị trấn trên địa bàn Hà Nội, với hơn 4.600 đại biểu tham dự. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo 138 và 89 chủ trì hội nghị.
Nhân rộng các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138 và 89 thành phố cho biết, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo 138 thành phố thực hiện tốt công tác tham mưu bảo đảm các yêu cầu nhạy bén, sát, đúng, kịp thời, huy động được sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô.
Cùng đó, chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, giải quyết được các vấn đề mới phát sinh. Triển khai có hiệu quả, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, yêu cầu, chỉ tiêu đề ra trong đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố, Ban Chỉ đạo 138 các quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại các địa bàn dân cư, qua đó đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ có hiệu quả các hoạt động chính trị, văn hóa – xã hội, đối ngoại của Thủ đô và địa phương.
Trên địa bàn TP đang duy trì 108 mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và được nhân rộng đến 6.419 điểm tổ dân phố, khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan doanh nghiệp, cơ sở giáo dục. Nhiều mô hình được xây dựng mới, nhân rộng phát huy hiệu quả góp phần bảo đảm an ninh, trật tự. Công an thành phố đã đề nghị và được Bộ Công an ghi nhận, giới thiệu 3 mô hình: “Mô hình họ giáo an toàn về an ninh, trật tự xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ”; “Mô hình sổ tay phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật” của Công an quận Hà Đông; “Mô hình chuyên đề liên kết bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại các khu đô thị, khu chung cư cao tầng” trên địa bàn quận Tây Hồ.
Kết quả điều tra khám phá án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ 96,4%, vượt chỉ tiêu công tác năm của Công an thành phố và chỉ tiêu Nghị quyết 96 ngày 27/11/2019 của Quốc hội đề ra. Công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thi, tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác giải quyết án bảo đảm chất lượng, thời gian, tiến độ đề ra.
Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng thừa nhận, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm 2023 vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Các đối tượng tội phạm sử dụng những phương thức, thủ đoạn cũ nhưng gia tăng hoạt động trên địa bàn, tập trung vào một số tội phạm như giết người, cướp tài sản, hiếp dâm người dưới 16 tuổi; tội phạm hoạt động “tín dụng đen”…
Tăng cường các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tội phạm
Sau khi nghe các ý kiến tham luận của các đơn vị, địa phương, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn ghi nhận, biểu dương các kết quả mà Ban Chỉ đạo 138 và 89 thành phố đạt được trong năm 2023, đặc biệt là hiệu quả của các mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, đề nghị các đơn vị làm rõ các tồn tại, hạn chế để có biện pháp, giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra cho công tác phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm trên địa bàn thành phố là rất nặng nề, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị các đơn vị triển khai hiệu quả 4 nhóm nhiệm vụ trong tâm gồm: Công tác tham mưu, chỉ đạo; công tác tuyên truyền, phòng ngừa; công tác đấu tranh; công tác cai nghiện ma túy. Cụ thể, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương và thành phố.
Trong đó, tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị về công tác phòng ngừa tội phạm lợi dụng thành tựu khoa học công nghệ 4.0 để hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Kế hoạch triển khai xây dựng mô hình “Tổ dân phố, thôn không ma túy” và “Xã, phường, thị trấn không ma túy” trên địa bàn thành phố tiến tới xây dựng “Vùng xanh” trong phòng, chống ma túy, phấn đấu xây dựng quận, huyện, thị xã không ma túy trên địa bàn thành phố. Đề án “giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại” trong phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố đến năm 2025 và Quy chế của UBND thành phố phối hợp xác định tình trạng nghiện.
Cùng đó, xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình, đề án trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Trung ương như: "Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống, nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy"; Chương trình phối hợp số 3 giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục & Đào tạo về "Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 - 2030" và Đề án "Phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên".
Về công tác tuyên truyền, phòng ngừa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị các đơn vị cần quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, cảnh báo trực diện cho người dân, nhất là giới trẻ về phương thức, thủ đoạn lôi kéo người dân tham gia vào hoạt động phạm tội và các tệ nạn xã hội; cách thức nhận biết, kỹ năng phòng ngừa... Đồng thời, thường xuyên cập nhật và phổ biến thông tin cho người dân, tạo sức “đề kháng”, chủ động phòng tránh, ngăn chặn tội phạm, ma túy thâm nhập vào đời sống.
Đối với các ban, ngành chức năng, Ban Chỉ đạo 138 quận, huyện, thị xã cần vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là phòng ngừa xã hội. Đồng thời, tăng cường hiệu quả công tác vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong đó, rà soát, củng cố, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hóa.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị Công an TP Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò chủ công, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan. Trong đó, tập trung thực hiện các kế hoạch, tăng cường các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tội phạm và các điều kiện, nguy cơ phát sinh tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, về ma túy, mại dâm, không để tội phạm lộng hành, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
“Người đứng đầu các sở, ngành, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, lĩnh vực quản lý, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Nhân dịp này, 39 tập thể, 22 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác phòng chống ma túy năm 2023 đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.