Không dễ vay tín chấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cho vay tín chấp. Tuy nhiên, vay vốn không cần tài sản thế chấp vẫn đòi hỏi những điều kiện nhất định đối với từng doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh ngân hàng chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh nợ xấu mới phát sinh.

Rào cản tài sản bảo đảm

Theo số liệu từ NHNN, tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng ở mức 3,52%, chưa đạt 1/3 mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12 - 14% mà NHNN đặt ra từ đầu năm.

Nhiều DN thừa nhận, lãi suất cho vay đã giảm sâu, các ngân hàng đã chủ động tìm đến DN "mời chào" vay vốn. "Hiện nay, nhiều DN đã được vay vốn ngân hàng với lãi suất từ 7 - 9%/năm. Với mức lãi suất này, sau khi trừ các chi phí trích bắt buộc như lập dự phòng rủi ro, bảo hiểm tiền gửi…, ngân hàng chấp nhận lãi suất âm so với huy động đầu vào với nhiều món vay" - bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội cho biết.
Ngân hàng Đông Á đã cho vay tín chấp đối với một số doanh nghiệp.    Ảnh: Thanh Hải
Ngân hàng Đông Á đã cho vay tín chấp đối với một số doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Hải
Lãi suất đầu ra không còn là rào cản, tuy nhiên, vẫn không nhiều DN có nhu cầu tiếp cận được vốn ngân hàng. Nguyên nhân là DN không đủ điều kiện vay vốn, nhất là yêu cầu về tài sản thế chấp.
Theo các chuyên gia, hiện, các ngân hàng cũng cho vay dựa trên ngành nghề hoạt động kinh doanh của DN nhưng ngân hàng kiểm soát rất chặt vì không ít khách hàng đã vay tiền ngân hàng để đầu tư vào các tài sản khác, nên rủi ro nợ xấu rất cao.
Ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại mật ong Hưng Dũng (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, Công ty cung cấp mật ong cho thị trường14 tỉnh, thành trên cả nước, chưa bao giờ có nợ xấu, luôn trả lãi đúng hạn và tương đối có uy tín với các ngân hàng. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là tất cả tài sản nhà đất của Công ty đã dùng để thế chấp vay vốn. Bởi vậy, dù có nhu cầu vay thêm vốn ngân hàng mở rộng sản xuất, Công ty vẫn rất khó tiếp cận. "Nhiều DN nước ngoài đã tìm đến ngỏ ý hợp tác nhưng với tiềm lực vốn cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật hiện tại, chúng tôi vẫn không dám nhận lời vì không đủ lực để có thể mở rộng sản xuất. Tôi kiến nghị ngân hàng nên mở rộng cho vay tín chấp với các DN làm ăn đàng hoàng, có nguồn thu ổn định và không vướng nợ xấu như chúng tôi" - ông Dũng đề xuất.

Bà Trần Thị Miền - Giám đốc Công ty CP Thương mại Phương Mai - DN hoạt động trong các lĩnh vực vận chuyển khách du lịch, nhà ăn, nhà nghỉ, khách sạn… cho biết, nhiều ngân hàng trên địa bàn tha thiết mời vay vốn, vì ngân hàng lại không cho vay tín chấp nên DN dù có nhu cầu vẫn khó vay.

Chọn "mặt" gửi… vốn

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, mới đây, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin, đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.

Hiện, một số ngân hàng vẫn chấp nhận cho vay tín chấp với các DN có đánh giá tín nhiệm cao, phương án trả nợ tốt, không vướng nợ xấu, có nguồn thu ổn định. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phải giám sát được đường đi, ngã rẽ của dòng tiền để giảm thiểu nỗi lo phát sinh nợ xấu.

Theo ông Trần Đạo Vũ - Giám đốc DongA Bank Chi nhánh Hà Nội, ngân hàng này xác định, vay tín chấp là một quá trình giao dịch, chứ không thể tiếp xúc lần đầu là có thể cho vay tín chấp ngay được. "Hiện tại, chúng tôi đã cho vay tín chấp đối với một số DN, nhất là các DN cung cấp dịch vụ cho Nhà nước và các DN mà chúng tôi quản lý được dòng tiền"- ông Vũ khẳng định, đồng thời khuyến cáo, DN phải minh bạch trong hoạt động và báo cáo tài chính, đảm bảo ngân hàng có thể quản lý được dòng tiền thì mới có khả năng vay tín chấp. Đơn cử, một DN có tài sản thế chấp 1 tỷ đồng nhưng ngân hàng vẫn có thể cho vay tới 5 tỷ đồng với điều kiện doanh thu hàng tháng của DN lên tới 1 tỷ đồng và ngân hàng có thể quản lý được dòng tiền này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần