Không để việc dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ trục lợi

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dịch bệnh bùng phát kéo theo sự dịch chuyển của các nghi thức tâm linh. Trên mạng xã hội, nhiều nhóm tổ chức dịch vụ cúng giải hạn biến tướng, mê tín.

Bát nháo dịch vụ giải hạn online

Cúng sao, cầu an trong những ngày đầu năm là thói quen của nhiều người trong hoạt đông văn hóa tâm linh. Hiện nay, phong tục này đang bị biến tướng trên mạng xã hội, có nhiều trang fanpage chuyên cung cấp dịch vụ phong thủy, hoá giải vận hạn đăng nhiều hình ảnh lễ cúng, giải hạn để dẫn dụ người nhẹ dạ.

Các trang cung cấp dịch vụ dâng sao giải hạn trực tuyến.
Các trang cung cấp dịch vụ dâng sao giải hạn trực tuyến.

Chị Trần Thu Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Do đang phải chăm sóc con nhỏ nên Tết năm nay tôi chưa đi lễ chùa, cúng sao giải hạn đầu năm vì ngại tập trung đông người. Tin lời bạn giới thiệu, tôi đã vào nhóm “Trừ tà TVTL” có gần 50.000 thành viên trên Facebook để được hướng dẫn dịch vụ cúng sao giải hạn online”.

Chỉ Trần Thu Phương kể: “Một thầy trong nhóm bảo năm nay tôi gặp hạn tam tai nên phải cúng sao giải hạn, nếu không cúng sẽ gặp xui rủi cả năm và tài lộc cũng cạn kiệt; đồng thời khẳng định, sau khi làm lễ sẽ gặp nhiều may mắn, công việc thuận lợi hơn nên tôi đã tin lời thỉnh gói cúng tại nhà giá 2 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền vào số tài khoản do người này cung cấp, tôi nhận được đồ cúng gồm một sấp giấy tiền vàng bạc, nhang đèn, mấy tờ giấy vẽ nguệch ngoạc. Lúc tĩnh tâm lại, tôi mới biết mình bị mất tiền oan”.

Bên cạnh một số trang Facebook công khai nhận cúng giải hạn online có tên na ná nhau như: Giải hạn thái tuế, Hóa giải vận hạn, còn có nhiều Facebook thực hiện dịch vụ bói toán online, đăng nhiều hình ảnh lễ cúng, bán bùa yêu, giải bùa ngải như: “Xem bói online”, “Thầy mo”, “Chuyên bùa yêu…”, “Thỉnh bùa yêu cực mạnh”. Ngoài tuyên truyền mê tín, các chủ trang thường chào mời khách chuyển khoản để thỉnh bùa và các món đồ trang sức gồm: Vòng, nhẫn, vật phẩm phong thủy với giá từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng.

Thậm chí trên một số website điện tử còn công khai bán “bom tấn voucher bộ cúng sao giải hạn” giá chỉ từ 50.000 đồng và giảm giá một số trang sức như “nhẫn trừ từ ma, giải sao hạn” từ 109.000 đồng còn 99.000 đồng.

Gìn giữ nét văn hóa tâm linh, bài trừ mê tín dị đoan

Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTT&DL) vừa có Công văn số 79/VHCS-NSVH gửi các Sở VHTT, Sở VHTTDL các tỉnh, TP về tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2022.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết chủ trì đại lễ cầu an trực tuyến tại Chùa Phúc Khánh.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết chủ trì đại lễ cầu an trực tuyến tại Chùa Phúc Khánh.

Công văn đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Những năm gần đây, Tổ đình Phúc Khánh đã sớm ra thông bạch về đại lễ cầu an trực tuyến, không còn gọi là khóa lễ dâng sao giải hạn các “sao xấu”. Không có “bảng giá” dâng sao, nhà chùa khuyến khích Phật tử, người dân “tùy hỉ” công đức khi đăng ký dâng sao giải hạn. Nhà chùa phát phiếu đăng ký cầu an trực tiếp cho người dân tới chùa, tuy thế cũng khuyến khích đăng ký trực tuyến từ tháng 12 âm lịch năm 2021.

Đại đức Thích Minh Đức, đại diện chùa Phúc Khánh cho biết, người dân có sự thay đổi dần về nhận thức. Năm nay, lượng người dân đăng ký cầu an trực tuyến tăng hơn so với năm đầu tiên. Nhà chùa sớm thông báo về lễ cầu an trực tuyến vào 19 giờ tối 14 tháng Giêng, chỉ hạn chế một số lượng nhất định tại chùa (không quá 30 người).

Theo ghi nhận của phóng viên KT&ĐT vào ngày diễn ra lễ cầu an tại Tổ đình Phúc Khánh, để thực hiện lễ cầu an trực tuyến, Hòa thượng Thích Thanh Quyết và các vị sư ngồi ở chính điện đọc kinh cầu nguyện, hình ảnh được phát trực tiếp trên 3 trang Facebook "Tổ Đình Phúc Khánh", "Khuông Việt online" và "Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội" từ lúc 19 giờ.

Được biết, từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự - Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện “tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh nội dung nghi lễ không đúng chính pháp. Lưu ý trong cách tổ chức tiếp nhận nghi lễ và không dùng các thuật ngữ dễ gây cho xã hội hiểu lầm lệch chuẩn về ý nghĩa cầu an của Phật giáo”.