Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy

Đạt Lê - Gia Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục CSĐT tội phạm ma túy (Bộ Công an) nhận định, trong những năm qua, tình hình tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tội phạm có yếu tố nước ngoài.

Qua các vụ án vận chuyển ma túy lớn thời gian gần đây bị triệt phá cho thấy, các đối tượng ngụy trang ma túy với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Hàng tấn ma túy vận chuyển qua Việt Nam
Theo Bộ Công an, trong năm qua (2019), do chịu tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy thế giới và khu vực làm cho tình hình ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nguồn ma túy vẫn chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ và một phần qua tuyến đường hàng không, đường biển…
Hàng trăm ki lô gam ma túy và nghi can người nước ngoài bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ vào tháng 4/2019.
Thống kê của Cục CSĐT tội phạm ma túy (Bộ Công an), tính đến ngày 15/11/2019, Cục đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 86 vụ, 283 đối tượng phạm tội về ma túy. Thu giữ: 612,5kg heroin; 120,54kg cocain; hơn 2 tấn và 231.814 viên ma túy tổng hợp, cùng nhiều vật chứng liên quan.
Lực lượng Công an đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hơn 23.328 vụ, với hơn 36.222 đối tượng phạm tội về ma túy. Thu giữ hơn 1.222 kg heroin; 6.253kg, 1.053.099 viên ma túy tổng hợp, hơn 614 kg thuốc phiện và 768 kg cần sa. Đáng lưu ý là số lượng ma túy tổng hợp tăng đột biến, cao hơn gấp 5 lần so với năm 2018, là năm thu giữ lượng ma túy nói chung, ma túy tổng hợp nói riêng lớn nhất từ trước đến nay.
Năm 2019, hàng loạt các đường dây ma túy khủng bị lực lượng chức năng triệt phá. Điển hình, ngày 20/3/2019, Cục CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp với lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh phong tỏa một địa điểm tại quận Bình Tân, khám xét và thu 300kg ma túy, tạm giữ 11 người, trong đó có 8 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam. Đây là đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy đá từ Lào qua cửa khẩu Bờ Y về TP Hồ Chí Minh do các đối tượng người Lào, Trung Quốc cấu kết với các đối tượng Việt Nam thực hiện… Tiếp đến, vào tháng 4/2019, Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát hiện và thu giữ hơn 1,1 tấn ma túy. Số lượng ma túy khủng này được giấu trong hơn 100 chiếc loa thùng nhập lậu…
Cũng trong thời điểm này tại tỉnh Nghệ An, lực lượng chức năng phát hiện 24 bao tải với trọng lượng 700kg ma túy đá bị các đối tượng buôn bán vận chuyển ma túy vứt bên vệ đường ở xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu. Ngày 31/5/2019, tại tỉnh Quảng Bình, lực lượng chức năng bắt giữ một đối tượng người Lào vận chuyển trái phép 100.000 viên nén ma túy tổng hợp từ Lào về Việt Nam...
Với thành tích bắt giữ nhóm người Đài Loan (Trung Quốc) vận chuyển gần 900 bánh heroin nói trên, Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh nhận định: Do chủ trương của Bộ Công an đánh mạnh vận chuyển ma túy từ Lào ra Bắc Trung Bộ nên các đối tượng có xu hướng dạt vào TP Hồ Chí Minh.
Ngoài Tam Giác Vàng, gần đây, Công an TP Hồ Chí Minh còn phát hiện một số nước Nam Mỹ chọn Việt Nam làm nơi trung chuyển cocain (không sản xuất ở châu Á), sau đó chuyển đi các nước. Các đường dây ma túy nước ngoài chọn TP Hồ Chí Minh làm nơi trung chuyển vì có giao thông kết nối nhanh với các nước khác, nhiều cảng biển, thuận tiện giao thương. Ngoài ra, Việt Nam quản lý ngoại tệ còn yếu kém, công tác kiểm soát cửa khẩu còn thiếu sót...
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) nhận định, qua các vụ việc, lực lượng chức năng nhận diện được nhiều thủ đoạn vận chuyển ma túy mới, rất tinh vi. Cụ thể như: Các đối tượng, tổ chức giấu các túi ma túy trong container hàng sắt thép phế thải, cất giấu trong túi trà, thức ăn chăn nuôi, hạt nhựa, đưa vào khoang rỗng của trục rulo máy ép bao bì, cất giấu trong các loa thùng, đế giày dép…
Hoạt động của tội phạm ma túy qua đường biển nổi lên việc các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) sang Việt Nam mở các công ty bình phong xuất nhập khẩu, thuê các kho hàng và chỉ đạo người Lào, Thái Lan, Việt Nam ở vùng biên giới vận chuyển ma túy dạng “đá”, heroin, ketamin từ vùng Tam Giác Vàng đi vào Việt Nam qua đường mòn tiểu ngạch biên giới bí mật tập kết về kho hàng của các công ty bình phong tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, sau đó cất giấu vào container hạt nhựa, chè, loa thùng… xuất khẩu đi các nước.
Ngoài ra, lợi dụng sự thông thoáng của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container đi đường biển để vận chuyển ma túy. Các đối tượng chủ hàng không trực tiếp đứng ra làm thủ tục xuất nhập khẩu mà làm hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu hàng hóa lòng vòng qua nhiều công ty khác nhau, để thực hiện xuất nhập khẩu các container có cất giấu ma túy đi và đến Việt Nam.
Các đối tượng thông qua nhập khẩu máy móc về Việt Nam rồi gia cố, thiết kế lại các bộ phận, tạo các ngăn giả bên trong máy để giấu ma túy nhằm đối phó sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu.
Trong khi đó, theo lực lượng biên phòng, hải quan đánh giá: Với tuyến đường không, các tổ chức tội phạm ma túy triệt để lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, chế độ quà biếu phi mậu dịch của Nhà nước, nhất là trong thực hiện thủ tục hải quan, thông quan điện tử đối với hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu để vận chuyển ma túy…
Hợp tác quốc tế trấn áp tội phạm ma túy
Có thể nói, đấu tranh với tệ nạn ma túy chưa bao giờ là cuộc chiến dễ dàng, khi các đối tượng liên tục thay đổi chiêu thức, có tổ chức bài bản và vô cùng manh động, táo tợn… Để tập trung trấn áp, đấu tranh phòng chống đối với loại hình tội phạm này, Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho rằng, các nước cần thiết lập đường dây nóng giữa các nước (số điện thoại và lập nhóm trên mạng xã hội) để kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp kiểm soát, truy bắt các đối tượng vận chuyển ma túy.
Thường xuyên trao đổi thông tin thông qua đường dây nóng về các tổ chức tội phạm ma túy nghi vấn có liên quan hoạt động vận chuyển ma túy qua đường biển ở mỗi nước để các nước nhận diện, lập các chuyên án điều tra chung, phối hợp truy bắt các đối tượng trong đường dây buôn bán trái phép ma túy ở các nước khác nhau.
Trao đổi thông tin, phương thức thủ đoạn mới của tội phạm ma túy; chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh với tội phạm này để các nước chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn.
Theo Bộ Công an Việt Nam, trong thời gian tới, các lực lượng tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với công an các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Philippines, Trung Quốc…; đồng thời, hiệp đồng nhất quán cùng các đơn vị của Bộ và địa phương, lực lượng công an, biên phòng, hải quan, công an các địa phương… mới có thể triệt phá tận gốc các đường dây tàng trữ, mua bán ma túy, truy bắt các đối tượng và bóc gỡ các đường dây liên quốc gia.
Đồng thời, việc đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy; tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về sự nguy hại của ma túy đối với gia đình và xã hội cần phát huy hơn, mang tính thực chất hơn. Các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn cũng nêu cao vai trò, trách nhiệm, tích cực chung tay trong cuộc chiến phòng, chống ma túy.

Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh, trấn áp tội phạm về ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới; tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn, các tụ điểm ma túy phức tạp… Trong tháng 2/2020, các đơn vị, địa phương đã phát hiện, bắt giữ 1.457 vụ - 1.978 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ gần 28kg heroin, 138,6kg và 162.526 viên ma túy tổng hợp, 5,5kg cần sa...


Thủ tướng vừa ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị số 36-CT/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp tập trung phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào nội địa, tấn công triệt để các đường dây ma túy lớn, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy…