Không để xảy ra “dịch chồng dịch”

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/3, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu được dự báo vẫn diễn biến khó lường. Covid-19 hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới.

Nhất là khi các quốc gia nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện chính sách mở cửa để phát triển kinh tế - xã hội, giao thương, du lịch.

Ghi nhận hơn 20.000 ca sốt xuất huyết, đã có 3 trường hợp tử vong

Theo Bộ Y tế, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tiếp tục xuất hiện và lây lan như: bệnh Marburg tại khu vực châu Phi; cúm A(H5N1)... Các tác nhân gây bệnh, chủng virus cúm liên tục biến đổi làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine, tiềm ẩn nguy cơ đại dịch.

Trong nước, dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao.

Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như: tay chân miệng, sốt xuất huyết..., bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vaccine cũng có nguy cơ gia tăng số mắc.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Tích lũy từ đầu năm đến ngày 17/3/2023, Bộ Y tế ghi nhận 20.537 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 3 trường hợp tử vong (so với cùng kỳ năm 2022 (9.919/2), số ca mắc tăng 2,1 lần). Ghi nhận 2.796 trường hợp mắc tay chân miệng, không trường hợp tử vong (so với cùng kỳ năm 2022 (406/0), số ca mắc tăng 6,9 lần).

Ghi nhận 33 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi, không trường hợp tử vong (so với cùng kỳ 2022 (7/0), số ca mắc tăng 11 ca). Ghi nhận 38 trường hợp mắc sốt rét (so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 2 trường hợp).

Tính đến ngày 23/3/2023, ghi nhận 1.915 ca mắc Covid-19, tổng tích lũy Việt Nam ghi nhận 11.527.187 ca nhiễm Vovid-19. Cả nước đã triển khai được 265.933.964 liều vaccine phòng Covid-19.

Trước thông tin "đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng Covid-19 sẽ thành một bệnh như cúm mùa trong năm nay”, tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/3, Bộ Y tế đã đánh giá, nhận định tình hình dịch Covid-19 tại nước ta hiện nay và diễn biến dịch trong tương lai.

Theo Bộ Y tế, nước ta vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc mới Covid-19, thế giới tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng lây lan nhanh hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến số mắc, số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát.

Tình hình dịch có xu hướng giảm theo thời gian cả về số mắc và phạm vi địa lý. Tỷ lệ tử vong giảm, tỷ lệ tử vong năm 2020-2021: 1,87; năm 2022: 0,11. Từ đầu năm 2023 đến nay chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Đánh giá tình hình dịch tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, được sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, nước ta vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc mới Covid-19, thế giới tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng lây lan nhanh hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến số mắc, số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát.

Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/3.
Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/3.

Hiện, Bộ Y tế đã xây dựng "Phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch Covid-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế" để sẵn sàng triển khai, thực hiện khi xảy ra.

Tiếp tục chủ động phòng, chống dịch Covid-19

Liên quan đến vấn đề chủ trương phòng, chống Covid-19 trong thời gian tới, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro; bảo đảm hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng, chống dịch với các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Để chủ động phòng, chống dịch Covid-19, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tập trung theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, quốc tế. Tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giải trình tự gen nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, đặc biệt khi biến thể mới của virus cũng như biến thể phụ có khả năng gây bệnh nặng, né tránh miễn dịch hay giảm hiệu quả thuốc chữa bệnh.

Cùng với đó, Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19 đặc biệt đối với trường hợp nguy cơ cao, trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao.

Tiếp tục đảm bảo công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp các ca mắc Covid-19 tăng cao. Đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch. Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất trong trường hợp phát sinh các tình huống mới của dịch bệnh.

Tăng cường truyền thông về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu và tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới.

Bộ Y tế cũng nêu rõ, Bộ luôn phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế, cùng chuyên gia, nhà khoa học theo dõi chặt chẽ và thường xuyên đánh giá tình hình dịch Covid-19.

Trong trường hợp tình hình dịch diễn biến ổn định, có thể dự báo và kiểm soát được, các biện pháp phòng, chống dịch sẽ được kịp thời điều chỉnh nhằm chủ động đáp ứng với dịch Covid-19 và bảo đảm sức khỏe người dân…

Đọc tiếp