Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, bão Doksuri rất ít khả năng ảnh hưởng tới đất liền nước ta, nhưng khu vực đông bắc của Bắc Biển Đông sẽ có mưa bão và gió giật mạnh, rất nguy hiểm cho tàu thuyền trong 48-96 giờ tới.
Cơn bão Doksuri ở phía Đông Philippines được nhận định là ít có khả năng đi vào biển Đông, tuy nhiên cơn bão này sẽ gây thời tiết xấu cho một phần của Biển Đông. Dự báo bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc và có khả năng mạnh lên cấp 15, giật trên cấp 17, cấp siêu bão trong khoảng 2 ngày tới khi bão tiến sát khu vực phía Đông Bắc đảo Lu-dông, (Philippines).
Sau đó, bão tiếp tục đi lên phía Bắc và có khả năng đổ bộ vào tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Dù bão Doksuri ít khả năng đi vào Biển Đông, tuy nhiên với hướng đi như dự báo thì siêu bão cũng sẽ gây mưa to, gió mạnh cho khu vực phía Đông của vùng biển Bắc và giữa Biển Đông.
Ngoài ra, bão tương tác khiến gió Tây Nam trên khu vực biển phía Nam từ Bình Thuận - Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa của Việt Nam cũng mạnh lên cấp 6, giật cấp 8, biển động, kèm mưa dông mạnh. Trên đất liền, gió mùa Tây Nam mạnh cũng khiến khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ liên tục mưa nhiều, có nơi mưa rất to trong những ngày tới.
Bão Doksuri ngoài khơi khiến miền Bắc nằm gần hoàn toàn trong đai áp cao cận nhiệt đới, do vậy duy trì nắng nóng oi bức cho đến khoảng hết ngày 26-27/7. Có một khả năng là sau ngày 27/7, miền Bắc sẽ có mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng của bão Doksuri.
Dự báo nắng nóng tại Bắc Bộ
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, ngày 24-25/7, khu vực Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%; khu vực Bắc Trung Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-35 độ, có nơi trên 35 độ. Nắng nóng ở Bắc Bộ còn có khả năng kéo dài trong vài ngày tới; từ ngày 26/7 nắng nóng mở rộng ra khu vực Trung Bộ. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Trung tâm cũng lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.