Bước ngoặt năm 2014
Theo dự thảo tài liệu quân sự được trang Byline Times thu thập được thông qua kho lưu trữ Wikileaks, các nhà phân tích quân sự Mỹ đã nhận định từ tháng 9/2011 về kế hoạch lâu dài của Tổng thống Nga Putin đối với một loạt các chiến dịch quân sự ở châu Âu, Kavkaz và Baltic nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của phương Tây - một chiến lược được ông Putin vạch ra vào đầu năm 2005.
“Nga đã thực hiện thành công một loạt động thái kể từ năm 2005, nhằm đảo ngược ảnh hưởng của phương Tây tại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Điều này sẽ dẫn đến sự leo thang thù địch giữa Mỹ và Nga - diễn ra ở khu vực Baltic, Trung Âu và Caucasus. Nó cũng sẽ dẫn đến sự rạn nứt hơn nữa của NATO khi các thành viên tranh cãi về trọng tâm của liên minh” - tài liệu cho biết.
Theo phân tích tình báo của USMC, chiến lược lâu dài của Tổng thống Putin đã nổ ra từ năm 2005 trên 4 sân khấu chính: Một nhóm các quốc gia ở Đông và Trung Âu; một nhóm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ ở ngoại vi Trung Á; một nhóm các quốc gia ở Baltics; và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là một số quốc gia ở trung tâm châu Âu.
Nhóm các quốc gia đầu tiên mà ông Putin được cho sẽ lên kế hoạch kiểm soát là “Belarus, Kazakhstan, Ukraine và Georgia”. Các quốc gia này đã trở thành “trọng tâm chính” trong các nỗ lực của Nga “ngay cả trước khi Điện Kremlin hoàn tất việc củng cố quyền lực tại quê nhà” vì họ là “yếu tố then chốt nhất đối với kế hoạch tổng thể của Moscow để trở lại như một cường quốc Á - Âu”.
Với việc phối hợp cùng nhau, các quốc gia này cho phép Nga “tiếp cận biển Đen và biển Caspi, đồng thời đóng vai trò như một vùng đệm giữa Nga và châu Á, châu Âu và thế giới Hồi giáo. Cho đến nay, Nga đã củng cố ảnh hưởng của mình tại 3/4 quốc gia là Belarus, Kazakhstan và Ukraine - đều có các nhà lãnh đạo thân Nga” - tài liệu được soạn thảo vào tháng 9/2011 nhận xét.
Vào thời điểm đó, Ukraine đang tăng cường hợp tác với một cấu trúc liên minh quân sự mới do Nga lãnh đạo, và đã ký một thỏa thuận để Hạm đội Biển Đen của Nga ở lại TP cảng Sevastopol của Ukraine cho đến năm 2047.
Tuy nhiên, chiến lược lớn của Nga đã bị gián đoạn vào năm 2014, khi những người biểu tình chống Chính phủ ở Ukraine lật đổ chế độ do Nga hậu thuẫn. Điều này dẫn đến sự xuất hiện của một Chính phủ thân phương Tây.
Điều quan trọng, các nhà phân tích USMC vào năm 2011 dường như không lường được việc Nga sẽ mất quyền kiểm soát Ukraine, mặc dù Chính phủ Mỹ tiếp tục hỗ trợ các nhóm đối lập và xã hội dân sự Ukraine. Tài liệu đã lập luận rằng Nga đã “nắm chắc” về tình trạng các vùng đệm. Do đó, các nhà phân tích quân sự Mỹ đã dự báo Tổng thống Putin sẽ sử dụng quyền kiểm soát Ukraine như một bàn đạp để mở rộng ảnh hưởng của Nga trở lại Trung Âu. Đó là lý do tại sao tài liệu đánh giá rằng điểm bùng phát lớn đầu tiên giữa Nga và phương Tây sẽ bắt đầu trên “bàn cờ Trung Âu”, từ khoảng giữa thập kỷ này.
“Theo truyền thống, khi Nga bị đe dọa, nước này sẽ tấn công. Mặc dù Moscow hiện đang hành động mang tính hợp tác… nhưng cũng có thể nhanh chóng tiếp tục kế hoạch bằng cách sử dụng các chiến thuật tích cực hơn” - tài liệu năm 2011 viết.
Nói cách khác, việc Ukraine rơi vào tay phương Tây vào năm 2014 được Tổng thống Putin coi là một bước lùi lớn đối với một chiến lược rộng lớn của Nga - bao gồm cả việc hồi sinh kinh tế và quân sự của Nga trong khu vực. Để thấy, chiến dịch quân sự tại Ukraine lúc này vẫn chỉ là một bước khởi đầu.
Người Mỹ thừa nhận thất bại
Tài liệu của USMC cũng nêu chi tiết những nỗ lực ban đầu của Mỹ nhằm can thiệp vào chính trị nội bộ của Nga sau Chiến tranh Lạnh và để đảm bảo rằng các quốc gia hậu Xô Viết sẽ không hợp lực trở lại Nga, bằng cách ngấm ngầm “thúc đẩy các cuộc cách mạng màu” ở các nước này. Tuy nhiên, tài liệu thừa nhận rằng những nỗ lực ban đầu này đã thất bại.
“Đầu tiên, Mỹ thúc đẩy các lực lượng ủng hộ dân chủ và tư bản bên trong Nga để cố gắng thay đổi bản chất của Điện Kremlin. Về mặt lý thuyết, điều này đã dẫn đến “cuộc thử nghiệm dân chủ” ở Nga vào những năm 1990 mà sau đó kết thúc trong sự hỗn loạn cay đắng, thay vì là một nền dân chủ thực sự bên trong nước Nga”.
Đồng thời, Mỹ và Tây Âu được cho cũng “bắt đầu hành động để kiềm chế ảnh hưởng của Nga bên trong biên giới của mình và chọn cách phòng thủ tốt nhất: Các quốc gia “vùng đệm”. Các hoạt động chủ yếu là thông qua tham gia chính trị và tài chính hợp pháp, nhưng một số đã vượt quá “giới hạn chịu đựng” của Nga.
“Phương Tây đã sử dụng ảnh hưởng và tiền bạc của mình một cách nhanh chóng sau khi Liên Xô sụp đổ để tạo mối liên hệ với từng quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Nó cũng thúc đẩy một loạt các cuộc cách mạng màu ở Gruzia, Ukraine, Kyrgyzstan và Azerbaijan nhằm củng cố ảnh hưởng của phương Tây ở các nước đó.
NATO và EU cũng mở rộng sang lãnh thổ Liên Xô cũ bao gồm Litva, Latvia và Estonia. Washington và NATO thậm chí còn mở các căn cứ quân sự ở Kyrgyzstan và Uzbekistan để tạo điều kiện chuyển tiếp tế vào Afghanistan” - tài liệu năm 2011 viết.
Theo USMC, Moscow coi chiến lược này của phương Tây là “một thách thức trực tiếp và có chủ ý đối với an ninh quốc gia Nga”. Giai đoạn sớm nhất của sự “tức nước vỡ bờ” ở Nga đã bắt đầu với nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm củng cố nội bộ quyền kiểm soát chính trị, kinh tế và xã hội của Điện Kremlin đối với đất nước, đồng thời thiết lập lại quyền thống trị của nhà nước đối với dự trữ năng lượng của Nga.
“Điện Kremlin cũng chấm dứt tình trạng bất ổn nội bộ do giới đầu sỏ tạo ra, tội phạm có tổ chức và các cuộc chiến tranh ở Kavkaz. Việc tái tập trung hóa nhà nước Nga dưới sự lãnh đạo của Putin, cùng với việc giá năng lượng tăng cao mang lại những khoản tiền lớn giúp Nga mạnh mẽ trở lại. Nhưng nước này vẫn cần giành lại vùng đệm của mình”.
Sự ra đời của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) chính là nhằm mở rộng ảnh hưởng quân sự của Nga, tạo đối trọng với NATO. Với CSTO, Nga đã xây dựng các liên minh quân sự song phương với Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, cho phép nước này lắp đặt “nhiều cơ sở quân sự của mình ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ” - tài liệu của USMC lưu ý. Điều này sẽ cho phép triển khai “lực lượng phản ứng nhanh của Nga vào bất kỳ quốc gia thành viên nào”, đồng thời tích hợp nhiều đơn vị quân sự - công nghiệp của các quốc gia thành viên vào lực lượng Nga.
Sau hơn 1 thập kỷ, không ít các dự báo tình báo năm 2011 của USMC đã cho thấy sự chính xác của nó trên thực tế, bao gồm cả chiến dịch quân sự tại Ukraine của Nga lúc này. Nếu mọi phân tích là đúng, hành động quân sự được cho là “lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II” của Moscow hiện nay rõ ràng không chỉ đơn giản là vì lợi ích của Nga ở Ukraine.
Tài liệu, lần đầu tiên được công bố bởi Byline Times hôm 1/3/2022, là bản thảo của tài liệu dự báo nội bộ của Cục Tình báo Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ (USMC), do các quan chức cấp cao của USMC và các nhà phân tích tại công ty tình báo tư nhân Stratfor, và được giám sát bởi Trung tá Drew. E. Cukor - Giám đốc Phân tích và Tương lai tại USMC.