Không dung dưỡng kẻ đầu độc thực phẩm

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, việc cố tình sử dụng chất bảo quản gây mất an toàn thực phẩm (ATTP), ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thường chỉ bị xử phạt hành chính. Mới đây, một tiểu thương sử dụng hóa chất để rửa rau củ đã bị kết án theo quy định của Bộ Luật Hình sự.

18 tháng tù cho kẻ dùng hóa chất độc hại
Ngày 1/11, Bùi Văn Sáng bị TAND quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đưa ra xét xử về tội Vi phạm quy định về ATTP theo khoản 1, Điều 317 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ phạt tiền 50 - 200 triệu đồng, hoặc phạt tù 1 - 5 năm. Đây là trường hợp đầu tiên trên cả nước bị xử lý hình sự về hành vi cố ý gây mất an toàn về vệ sinh thực phẩm, gây nguy hiểm cho xã hội và sức khỏe người tiêu dùng.
Bùi Văn Sáng là chủ cơ sở chế biến nông sản ở phường Tam Bình (quận Thủ Đức) và chưa có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Từ tháng 1/2017, anh ta thuê 3 công nhân rửa củ cải, cà rốt bằng hóa chất cho mối hàng ở Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức để sản phẩm sạch, đẹp, không bị hư thối. Kết quả giám định cho thấy, củ cải và cà rốt sau khi ngâm hóa chất có hàm lượng Sodium dithionete (Na2S204) và Sodium Sulfate (Na2S04).
 Bị cáo Bùi Văn Sáng tại phiên tòa ngày 1/11.
Theo quy định của Bộ Y tế, 2 hóa chất này không được sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Hóa chất tẩy trắng có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày, tổn thương mao mạch.
Người nào thường xuyên dùng thực phẩm bị tẩy trắng, lượng hóa chất sẽ tích tụ trong cơ thể, gây ung thư. Theo TAND quận Thủ Đức, bị cáo chỉ vì lợi nhuận nhỏ mà gây ảnh hưởng đến người dân. Hành vi này rất nguy hiểm cho xã hội nên tòa tuyên phạt Sáng 18 tháng tù.
Theo Hiệp hội Ung thư Việt Nam, thực phẩm bẩn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư và chiếm tới gần 40% trong số các yếu tố gây ung thư.
Tại Việt Nam, mỗi ngày có tới gần 550 ca ung thư mới và hơn 200 người tử vong vì ung thư. Hệ lụy thực phẩm bẩn, không an toàn tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, thực phẩm bẩn còn là nguyên nhân cơ bản dẫn tới ung thư do các chất bảo vệ thực vật, các chất độc còn tồn dư trong quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến; ảnh hưởng tới chất lượng nòi giống...
Án lệ cho các vụ tương tự
Trả lời báo chí, Trưởng Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho hay, rất hoan nghênh cơ quan điều tra củng cố hồ sơ để đưa ra truy tố hình sự các cá nhân, tổ chức vi phạm ATTP. Việc cơ quan chức năng chuyển qua xử lý hình sự là tín hiệu đáng mừng.
Thời gian qua, có những vụ vi phạm vệ sinh ATTP kéo dài đến hàng năm trời nhưng không xử lý hình sự được người vi phạm, cuối cùng cơ quan chức năng phải đành xử phạt hành chính, trong đó có những vụ phát hiện hơn 20 tấn thịt vi phạm nhưng chỉ xử phạt mấy trăm triệu đồng. Việc xử lý hình sự đúng người, đúng tội những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về vệ sinh ATTP sẽ có tính răn đe tốt hơn.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Thị Hải Yến - Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Viết (Hà Nội) cho rằng, TAND quận Thủ Đức đưa ra xét xử vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về ATTP theo khoản 1, Điều 317 Bộ luật Hình sự, có thể coi đây là “án điểm”/án lệ cho các vụ án khác khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương khác trong cả nước xử lý các trường hợp tương tự. Vụ án này nên được tuyên truyền công khai, rộng rãi, đặc biệt ở các khu chợ, trong giới tiểu thương kinh doanh mặt hàng lương thực, thực phẩm.
Hiện nay, có thể còn nhiều tiểu thương, nhà cung cấp, sản xuất mặt hàng lương thực, thực phẩm đã vô tình vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết. Do đó, cần phải giúp các nhà kinh doanh (mua bán, sản xuất, cung cấp) ngay lập tức điều chỉnh hành vi, thói quen xử lý, bảo quản các mặt hàng lương thực, thực phẩm để họ không vô tình hoặc cố tình vi phạm pháp luật, gây mất ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Đây cũng là căn cứ, cơ sở để đề xuất các cơ quan quản lý chức năng liên quan của Nhà nước như Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương… tiến hành tăng cường các hoạt động (theo quy định của Luật ATTP số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010 và Thông tư số 43/2018/TT-BCT ngày 15/11/2018).
Theo đó, phải kiểm tra, giám sát, xử lý, xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm, lỗi sử dụng sai hóa chất, hóa chất thiếu thông tin hướng dẫn, không có cảnh báo độc hại trước khi các cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải xử lý hình sự. Ngoài ra, phải tổ chức, thực hiện các chương trình tập huấn bắt buộc để cập nhật, phổ biến các quy định pháp luật, công nghệ cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng lương thực, thực phẩm.

"TAND quận Thủ Đức đưa ra xét xử vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về ATTP theo khoản 1, Điều 317 Bộ luật Hình sự, có thể coi đây là “án điểm”/án lệ cho các vụ án khác khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương khác trong cả nước xử lý các trường hợp tương tự." - Luật sư Nguyễn Thị Hải Yến - Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Viết (Hà Nội)