Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không ghi hình cán bộ tiếp dân nếu chưa xin phép: Tôn nghiêm công sở, bảo đảm quyền công dân

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân TP Hà Nội mới được ban hành, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, nhiều ý kiến khẳng định quy định này phù hợp với pháp luật hiện hành, nhằm tạo ra môi trường làm việc văn minh, lịch sự, tôn trọng lẫn nhau.

Nội quy của UBND TP Hà Nội quy định rõ, đối với công dân khi đến Trụ sở Tiếp công dân TP làm việc “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) cho biết, đã từng đến làm việc tại phòng tiếp công dân của UBND quận Thanh Xuân. Cuộc làm việc trên tinh thần cởi mở, giải quyết thấu đáo những khúc mắc của các công dân; đồng thời, nội dung cuộc làm việc được lập thành biên bản, có cung cấp cho công dân. Do đó, việc ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân là không cần thiết.
Việc niêm yết công khai những thủ tục hành chính sẽ góp phần giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. Ảnh: Thái San
Chủ tịch UBND xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai) Nguyễn Huy Oánh cho hay, khi tiếp công dân, ông chưa từng gặp trường hợp nào ghi âm, ghi hình buổi làm việc. Khi công dân khiếu nại, tố cáo, lãnh đạo xã tiếp nhận đơn thư, phân loại, cử cán bộ giải quyết đúng theo quy định của luật. “Tôi cũng đồng tình với nội quy của UBND TP mới ban hành. Ở Trụ sở Tiếp công dân TP, người đi khiếu nại, tố cáo ra vào nhiều, phức tạp. Nếu ghi âm, ghi hình với mục đích khác một cách tùy tiện, sẽ vi phạm Luật Tố cáo và ảnh hưởng đến người tố cáo. Do đó, việc ghi âm, ghi hình phải xin phép và được sự đồng ý của người chủ trì buổi tiếp công dân nhằm đảm bảo tính công bằng, an toàn cho công dân khi đến làm việc” – ông Oánh chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Viết Hùng, ông đồng tình với quan điểm, khi nào có sự đồng ý của người chủ trì tiếp công dân công dân mới được ghi âm, ghi hình. Nếu việc ghi âm, ghi hình không phục vụ mục đích tốt đẹp thì không nên thực hiện. Bởi có những trường hợp công dân quay cán bộ tiếp dân tung lên mạng xã hội, gây phản cảm. “Trong các buổi tiếp công dân, chúng tôi làm việc trên tinh thần cởi mở, văn minh, mọi việc giải quyết trên cơ sở pháp luật. Nội dung buổi tiếp công dân có biên bản làm việc, nếu công dân cần, chúng tôi có thể cung cấp biên bản cho công dân” – ông Hùng cho biết.

Tại phòng tiếp công dân của các quận, huyện đã trang bị hệ thống camera ghi hình, phục vụ đảm bảo an ninh trật tự và giám sát người tiếp công dân, có bố trí hộp thư nhận phản ánh của công dân. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đại diện lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân cho biết: Trong các buổi đối thoại, tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân của quận Thanh Xuân không ngại ghi âm, ghi hình. Trong thực tế, đã có nhiều cuộc tiếp dân khi công dân có đề nghị ghi âm, ghi hình, sau khi trao đổi chúng tôi cũng đã thống nhất. Tại phòng tiếp công dân của UBND quận Thanh Xuân có hệ thống được thiết kế lắp đặt để ghi âm, ghi hình với các góc độ đảm bảo trung thực và khách quan. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng, bất kỳ ai khi được người khác ghi âm, ghi hình cũng rất nên được biết và có trách nhiệm bày tỏ quan điểm đồng thuận hay không đồng thuận. Do vậy, việc UBND TP Hà Nội quy định: “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” vừa đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau giữa người tiếp dân và công dân được tiếp, vừa đảm bảo tính minh bạch, công khai và chủ động trong mỗi cuộc tiếp công dân để đạt kết quả cao nhất. Từ đó, tạo nên sự cởi mở, tin tưởng, gần gũi trong một công tác quan trọng, đó là công tác tiếp công dân.