Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không giải ngân được, 9 bộ, ngành xin trả lại hơn 8.000 tỷ đồng vốn ODA

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến ngày 6/10, Bộ Tài chính đã nhận được 9 văn bản từ các bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng giá trị là 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Thông tin tại với đại diện các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (ODA) ngày 7/10, đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính cho biết, mặc dù các cơ quan đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ cho công tác giải ngân, tuy nhiên với thời gian còn lại từ nay cho đến hết năm, việc hoàn thành tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn năm 2021 trên 95% kế hoạch được giao như mục tiêu Nghị quyết số 63/NQ-CP là không khả thi.
Thời gian qua, Bộ cũng chỉ đạo rút ngắn thời gian thực hiện công tác kiểm soát chi và giải quyết đơn rút vốn nếu đầy đủ hồ sơ. Kết quả, Bộ đã nhận được 620 bộ hồ sơ rút vốn của các bộ, ngành và tất cả hồ sơ rút vốn đều đã được xử lý khẩn trương, các đơn chưa đầy đủ hoặc thiếu sót đều được phối hợp với chủ dự án để giải quyết, đến nay không còn tồn đọng đơn rút vốn.
Ảnh minh họa.
Ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục Trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết tính đến ngày 6/10, Bộ Tài chính đã nhận được 9 văn bản từ các bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng giá trị là 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo ông Võ Hữu Hiển, Bộ Tài chính đã làm việc trực tuyến, trao đổi với tất cả các chủ dự án của 13 bộ, ngành được giao kế hoạch vốn nước ngoài để rà soát, đôn đốc giải ngân, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến giải ngân thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ
Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài và phải trả kế hoạch vốn trước hết là do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA.
Nhiều Dự án chậm tiến độ hoặc không có khối lượng giải ngân do các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án như: Chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư (chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở, chậm trong đấu thầu, ký hợp đồng); đang trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với các nội dung như gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân, sử dụng vốn dư, điều chỉnh chủ đầu tư, tỷ lệ thanh toán ngoại tệ/ nội tệ, điều chỉnh kinh phí giữa các hạng mục.
Bên cạnh đó, công tác kế hoạch vốn chưa tốt, nhiều bộ ngành chưa thể giao hết kế hoạch vốn chi tiết dẫn đến phải hủy dự toán.
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu việc xem trước hồ sơ, tài liệu trên bản điện tử (sử dụng bản scan) để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ ở mọi khâu của quá trình triển khai dự án.
Đối với các cơ quan chủ quản, Bộ chỉ đạo thực hiện kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân; tiếp tục điều chuyển kế hoạch vốn nội bộ. Trường hợp không thể điều chuyển nội bộ thì sớm có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc cắt giảm để chuyển cho các Bộ, ngành, địa phương khác.
Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và ban quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao.
Báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân các dự án.
Các chủ dự án, Ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; kịp thời phát hiện các vướng mắc để xử lý hoặc báo cáo cơ quan chủ quản xử lý theo thẩm quyền, xin ý kiến “không phản đối” của Nhà tài trợ.
Đối với các địa phương có dự án ODA của các Bộ, ngành triển khai: Xử lý các vấn đề vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho dự án đúng tiến độ.