“Không gian Áo dài Việt”: “Cuộc kết duyên" của những tình yêu Hà Nội

Bài, ảnh: Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/12, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng công bố: “Lanhuong Fashion House (số 18 đường Âu Cơ, Hà Nội) đã chính thức “Đạt tiêu chuẩn phục vụ khách Du lịch” và trở thành “Không gian áo dài Việt”. “Cuộc kết duyên” của những tình yêu Hà Nội này hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm cho người dân và du khách.

 Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng gắn biển hiệu điểm đến Đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho Lanhuong Fashion House. Ảnh: Hồng Hạnh.

Việc Sở Du lịch Hà Nội công bố cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho Lanhuong Fashion House là hoạt động tiếp nối của Festival Áo dài Hà Nội năm 2016, nhằm hướng tới xây dựng Hà Nội trở thành Trung tâm thời trang trong tương lai.

Cũng theo ông Đỗ Đình Hồng, đây là lần đầu tiên, một cơ sở Thời trang trên địa bàn TP Hà Nội được trao vinh dự này. Đó là kết quả của những nỗ lực và sáng tạo không ngừng nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù dựa trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng là sự cố gắng đáng ghi nhận của nhà thiết kế, nghệ nhân Áo dài Hà Nội Lan Hương khi tạo dựng một không gian trải nghiệm du lịch văn hóa độc đáo tại Thủ đô Hà Nội trong lĩnh vực thời trang và nghệ thuật.

 Bộ sưu tập trang phục Malaysia được trình diễn tại “Không gian Áo dài Việt”, sáng 11/12. Ảnh: Hồng Hạnh.

Nghệ nhân Lan Hương cho biết, “Không gian Áo dài Việt” sẽ không đi sâu vào vấn đề học thuật hay theo hướng phục chế áo dài Việt Nam mà mang lại cho du khách cái nhìn tổng thể về tà áo truyền thống của người phụ nữ Việt, với toàn bộ nguyên liệu là hàng thủ công sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, do áo dài còn gắn liền với nhiều phụ kiện, vật phẩm kèm theo khác, vì thế, tại đây cũng có phần trưng bày kết hợp thao diễn theo yêu cầu của nghệ nhân đến từ các làng nghề khác như làng nuôi tằm tơ Mỹ Đức, làng lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, chạm bạc Định Công - Đồng Xâm, gốm Bát Tràng, dệt Triều Khúc, nón lá Làng Chuông…

 Bộ sưu tập Ngôi nhà Batik được trình diễn tại “Không gian Áo dài Việt”. Ảnh: Hồng Hạnh.

Ít ai biết rằng, “Không gian Áo dài Việt” chính là “đứa con” của cuộc gặp gỡ giữa những tình yêu Hà Nội. Yêu truyền thống của Hà Nội xưa với khu phố Cầu Gỗ từng là nơi có nhiều cửa hàng áo dài có chung chữ “Trạch”; rồi cả một làng áo dài Trạch Xá (huyện Ứng Hòa), nhiều năm trước, khi còn công tác tại Văn phòng UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Đỗ Đình Hồng đã ấp ủ ý tưởng xây dựng áo dài thành sản phẩm du lịch của Hà Nội, xây dựng tour "Áo dài Hà Nội" đặc sắc và hấp dẫn, tiến tới mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm thời trang trong tương lai. Đến khi ông đảm trách vai trò lãnh đạo ngành du lịch thủ đô, ý tưởng ấy từng bước được hiện thực hóa. Đầu tiên là tổ chức Festival Áo dài Hà Nội 2016.

 Bộ sưu tập của nghệ nhân Lan Hương được trình diễn tại “Không gian Áo dài Việt”. Ảnh: Hồng Hạnh.

Cũng từ lâu, nhà thiết kế Lan Hương, người đầu tiên được tặng danh hiệu Nghệ nhân Áo dài Việt Nam đã dành trọn tình yêu với tà áo dài truyền thống. Chị và chồng (nhiếp ảnh gia Hoàng Hiệu) ấp ủ xây dựng một Bảo tàng Áo dài từ lâu. Nhưng, người nghệ sĩ vốn chỉ say sưa sáng tạo nghệ thuật vẫn chưa mường tượng được, để có một không gian như tưởng tượng, cần phải làm những gì.

Đến khi đoàn khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội do đích thân ông Đỗ Đình Hồng dẫn đầu làm việc với các nhà mốt trên địa bàn nhằm kiểm tìm điểm đến cho tour “Áo dài Hà Nội”, những ý tưởng ấy mới được gặp nhau, và từng bước “đơm hoa, kết trái”.

 Du khách trải nghiệm quay tơ tại “Không gian Áo dài Việt”. Ảnh: Hồng Hạnh.

Cũng trong sáng 11/12, tại “Không gian Áo dài Việt” còn diễn ra chương trình giao lưu văn hóa của các đoàn quốc tế tại Hà Nội, thuộc khuôn khổ “Tuần Văn hóa – Việt Nam – Malaysia, Inđônêxia”, diễn ra từ ngày 6 – 12/12, tại Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam (TP Thái Nguyên).

TạiLanhuong Fashion House, đoàn Malaysia do Công chúa Hoàng gia Malaysia Bang Teregganu dẫn đầu đã trình diễn bộ sưu tập trang phục Malaysia. Trước đó, Công chúa Bang Teregganu đã được nghệ nhân Lan Hương dạy thuê. Dù là một người thêu giỏi, nhưng Công chúa chia sẻ mình khá bối rối vì thêu trên chất liệu lụa tơ tằm thay vì cotton. Bà bày tỏ mong muốn ở lại Việt Nam 1 tháng để học cách dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc (Hà Nội).

 Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, các đại biểu và vợ chồng nghệ nhân Lan Hương gắn lá dâu tằm bạc lên áo dài- Nghi lễ khai trương "“Không gian Áo dài Việt”. Ảnh: Hồng Hạnh.

Trong khi đó, đoàn Inđônêxia do bà Venny Afwany Alamsyah – Giám đốc, chuyên gia Batik tại Jacacta dẫn đầu đã mang đến bộ sưu tập “Ngôi nhà Batik” cực kỳ ấn tượng.

Sự thành công của hoạt động này cho thấy, “Không gian Áo dài Việt” hứa hẹn là địa điểm lý tưởng để nối dài hoạt động của các đơn vị thuộc UBND TP Hà Nội, Bộ VHTT&DL trong các hoạt động giao lưu du lịch, văn hóa với các nước trên thế giới.

Ông Đỗ Đình Hồng hy vọng, sau buổi công bố chính thức và đặt biển này, Lan Huơng cùng các nhà thiết kế khác sẽ tạo ra điểm đến hấp dẫn và không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Hà Nội của du khách trong nước và quốc tế. Từ đó, đưa Áo dài thành điểm nhấn tạo sức hấp dẫn cho du lịch Thủ đô.