70 năm giải phóng Thủ đô

Không gian công cộng trong làng cổ

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự tồn tại của làng ngay giữa Thủ đô là một đặc điểm thú vị của Hà Nội. Trong quá trình đô thị hóa, sự hòa quyện giữa yếu tố làng và đặc điểm đô thị mới đã củng cố “làng trong phố”, “phố trong làng”.

Giếng nước cổ làng Đường Lâm. Ảnh: Công Hùng
Giếng nước cổ làng Đường Lâm. Ảnh: Công Hùng

Dân làng giữa lòng Hà Nội không còn sống bằng nghề nông mà đã chuyển đổi phương thức sản xuất. Khi quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, cấu trúc làng dần hòa nhập với cấu trúc đô thị, một số yếu tố đặc trưng của làng như tổ chức xã hội, tính cộng đồng, đặc trưng văn hóa vẫn được cư dân lưu giữ, nhất là ở những làng cổ truyền.

Theo TS Đặng Hoài Giang - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), sự tồn tại của các công trình cốt lõi như đình, chùa, miếu mạo, cây đa, giếng nước, cổng làng... ở các làng quê đô thị hóa hiện nay là biểu hiện tiêu biểu cho các giá trị vật chất, tinh thần của làng quê.

Những tòa nhà này tiếp tục với nhiệm vụ kết nối và củng cố văn hóa làng xã, tín ngưỡng, quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng, từ đó nâng cao hình ảnh, tinh thần “làng trong phố”.

Đơn cử, làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, hiện đang được xây dựng thành không gian sáng tạo độc đáo, mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ cho khách. Điều này có rất có ý nghĩa khi Hà Nội đang hiện thực hóa các sáng kiến khi trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo chia sẻ, là một trong những ngôi làng có truyền thống lịch sử lâu đời, Đường Lâm còn là nơi gìn giữ các giá trị văn hóa tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Cảnh quan chung của Đường Lâm, từ khuôn viên mỗi ngôi nhà cổ đến cấu trúc mỗi thôn xóm, sự phân bố của các ngôi nhà và các công trình công cộng truyền thống (đình, đền, chùa, miếu, giếng nước...), cùng với hệ thống đường làng, cây xanh, ao hồ, đồng ruộng... phản ánh một cách sinh động đời sống của một làng Việt cổ truyền.

Mặt khác, cấu trúc của làng lại có những nét đặc trưng riêng. Các thôn ở trung tâm nằm liền kề nhau. Ranh giới quy ước giữa các thôn thường là các con đường bao thôn, giếng nước hay đền miếu, không có sự phân chia khép kín bởi những lũy tre hay cánh đồng.

Mỗi thôn lại có những nếp sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống được lưu giữ trong mỗi dòng họ, mỗi nếp nhà, tạo nên nét hấp dẫn riêng và sức sống tinh thần cho cả ngôi làng. Đây chính là các giá trị văn hóa cơ bản, đem lại hơi thở cho “di sản sống” Đường Lâm.

Vừa qua, không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo “Đoài Creative” - không gian sáng tạo đầu tiên của làng cổ Đường Lâm chính thức ra mắt tại thôn Mông Phụ (vùng lõi của di sản). Trước đó, đây là một dãy ki-ốt 7 gian lợp ngói với diện tích khoảng 100m2, được xây dựng làm nơi bán hàng, chỗ rửa xe đã xuống cấp từ nhiều năm qua.

Trước thực trạng đó, với sự hỗ trợ của Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, một người dân đã thuê lại, cải tạo thành không gian sáng tạo phục vụ trẻ em làng cổ và du khách đến tham quan. Kiến trúc được cải tạo mang đậm nét văn hóa truyền thống xứ Đoài, hài hòa với không gian chung của làng cổ.

Nhà thiết kế Khuất Văn Thắng, chủ của không gian sáng tạo, đồng thời cũng là một người dân đang sinh sống tại làng cổ Đường Lâm, cho biết: khi thấy dãy ki-ốt không sử dụng hiệu quả, anh đã thuê lại để tổ chức các hoạt động sáng tạo và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Việc cải tạo dãy nhà dựa trên nền tảng cơ bản vốn có, vẫn giữ kết cấu cũ và chỉ quy hoạch kiến trúc tối thiểu.

Nhà thiết kế đã đưa thêm ý tưởng sáng tạo, khai thác những vật liệu cũ tận dụng được, sử dụng nguyên liệu thân thiện, gần gũi của Đường Lâm và sắp đặt, tổ chức lại cho đúng công năng hoạt động. Đoài Creative là nơi trình diễn nghệ thuật, workshop, phát triển sáng tạo và một số dịch vụ phục vụ du khách khi đến thăm làng cổ. Các hoạt động sáng tạo đều dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của làng cổ Đường Lâm.