Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông: Tìm nét mới lạ "hút" du khách

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Từ kết quả khả quan bước đầu hoạt động không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận , UBND quận Hai Bà Trưng vừa đưa ra những giải pháp sẽ tập trung thực hiện để khai thác, nâng cao hơn nữa hiệu quả không gian đi bộ thời gian tới.

Qua gần 1 tháng được khai trương (ngày 30/12/2022), không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận tại quận Hai Bà Trưng đã thể hiện bước đầu đáp ứng được tiềm năng, thế mạnh, hướng tới phát triển văn hóa, thương mại-dịch vụ du lịch trên địa bàn quận nói riêng và Thủ đô nói chung. Ghi nhận qua 4 tuần hoạt động không gian đi bộ (từ sáng thứ Bảy đến đêm Chủ nhật hằng tuần) cho thấy, chính thức quận Hai Bà Trưng đã có một không gian cảnh quan đẹp, liên kết chặt chẽ với Công viên (CV) Thống Nhất thành một tổng thể không gian, cảnh quan. Từ đây, người dân quận Hai Bà Trưng nói riêng và Hà Nội nói chung đã có thêm một nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thương mại dịch vụ hòa nhập với không gian cảnh quan của CV Thống Nhất. Du khách đến với tuyến phố đi bộ này không đơn thuần là tham gia hoạt động trong tuyến phố mà còn được tận hưởng không gian, mặt nước của CV và tham gia các hoạt động trong CV...

Không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận (quận Hai Bà Trưng) mới khai trương được gần 1 tháng nhưng đã thu hút đông đảo người dân quận và du khách đến tham gia vui chơi giải trí
Không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận (quận Hai Bà Trưng) mới khai trương được gần 1 tháng nhưng đã thu hút đông đảo người dân quận và du khách đến tham gia vui chơi giải trí

Theo Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng Nguyễn Tiến Quang, thống kê sơ bộ đến thời điểm Tết Quý Mão 2023, khu vực bãi gửi xe tại góc phố Nguyễn Đình Chiểu phục vụ trông xe cho khách vào vui chơi tại không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông đã được lấp đầy trên 70% diện tích bãi gửi, cho thấy lượng khách đến đây mỗi tối cuối tuần khá đông. Tuy nhiên, chính quyền quận xác định, việc xây dựng một không gian đi bộ muốn thu hút được người dân tham gia lâu dài thì cần tìm được một bản sắc riêng, cũng như phải đáp ứng được đồng thời các nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí, ăn uống... của người dân mỗi khi đến đây. Việc tìm được một hướng đi mang bản sắc riêng cho không gian đi bộ này đòi hỏi quận phải nghiên cứu, tìm tòi, đánh giá chung và học hỏi để tìm kiếm sự khác biệt với những khu phố đi bộ đã có ở Hà Nội.

Đông đảo thanh thiếu niên hào hứng tham gia hoạt động vui chơi tại phố đi bộ Trần Nhân Tông
Đông đảo thanh thiếu niên hào hứng tham gia hoạt động vui chơi tại phố đi bộ Trần Nhân Tông

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, việc thống nhất cảnh quan giữa tuyến phố đi bộ với Công viên Thống Nhất cần tạo cho người tham gia không gian đi bộ không chỉ được hưởng các hoạt động văn hóa, tâm linh, vui chơi giải trí mà cong được tận hưởng không gian xanh, trong lành của công viên giữa lòng Thủ đô - điều không phải tuyến phố đi bộ nào cũng có. Cùng đó, việc triển khai hạng mục nhạc nước trên mặt hồ Thiền Quang sẽ tạo ra được nét mới lạ cho tuyến phố đi bộ. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện tuyến phố đi bộ cần cải tạo cảnh quan chung cả khu vực đòi hỏi nguồn lực lớn, thời gian kéo dài, thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều đơn vị, sở ngành, nên khó khăn trong đảm bảo tiến độ và tính đồng bộ của tuyến phố.

Người dân tham gia mua sắm tại các gian hàng bày bán đặc sản vùng miền tại không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận trong dịp Tết Quý Mão 2023
Người dân tham gia mua sắm tại các gian hàng bày bán đặc sản vùng miền tại không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận trong dịp Tết Quý Mão 2023

Để giải quyết những vấn đề đó, tới đây, UBND quận sẽ tập trung chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Tổ chức không gian phố đi bộ - văn hóa phố Trần Nhân Tông và phụ cận, cụ thể là: Lập, phê duyệt dự án Chỉnh trang đồng bộ khu vực xung quanh hồ Thiền Quang; triển khai thi công dự án GPMB, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị kiến trúc, nghệ thuật, thắng cảnh hồ Thiền Quang và cụm di tích chùa Quang Hoa-chùa Thiền Quang-chùa Pháp Hoa. Đồng thời, sẽ khẩn trương hoàn thiện quy chế quản lý, tổ chức không gian phố đi bộ - văn hóa phố Trần Nhân Tông và phụ cận, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, chính quyền quận và các phường sở tại sẽ tổ chức phát huy, sáng tạo hơn nữa trong tổ chức các hoạt động nghệ thuật, phong trào kết hợp các chương trình, tổ chức hoạt động kỷ niệm các ngày lễ của quốc gia, Thủ đô và quận tại khu vực, định hình không gian giao lưu văn hóa, ẩm thực đặc sắc, góp phần thu hút đông đảo du khách và Nhân dân đến với quận Hai Bà Trưng. Đồng thời, phát huy lợi thế từ các hoạt động của Đoàn Thanh niên và hoạt động của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, nghệ thuật quần chúng trên địa bàn quận như xiếc, chèo, ca múa nhạc... để tạo ra một không gian lễ hội của sắc màu và của văn hóa; tạo môi trường giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới như thông qua Viện Pháp (số 15 phố Thiền Quang) hay Trung tâm văn hóa Hàn Quốc (phố Nguyễn Du)...

Người dân hào hứng thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc do các nghệ sỹ chuyên nghiệp biểu diễn tại Cổng Công viên Thống Nhất trong không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận dịp Tết Quý Mão 
Người dân hào hứng thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc do các nghệ sỹ chuyên nghiệp biểu diễn tại Cổng Công viên Thống Nhất trong không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận dịp Tết Quý Mão 

UBND quận cũng sẽ tăng phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và các đơn vị được giao chủ đầu tư những dự án khác nằm trong khu vực thực hiện đề án và tiếp tục phối hợp các sở ngành TP để hướng dẫn bàn giao quận quản lý toàn bộ khu vực vỉa hè, bồn hoa phía ngoài tường rào CV Thống Nhất mặt phố Trần Nhân Tông và Nguyễn Đình Chiểu (đoạn từ cổng CV đến phố Nguyễn Đình Chiểu).

“Mục tiêu hướng tới của không gian đi bộ này sau khi đi vào hoạt động là sẽ phát huy giá trị vốn có của khu vực CV Thống Nhất, hồ Thiền Quang và cụm di tích kết hợp Quảng trường “Công an Nhân dân vì dân phục vụ” tạo ra khu vực văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí, mua sắm gắn với ẩm thực của Nhân dân. Từ đó, phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo tồn phát huy di sản văn hóa của dân tộc, như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc” - ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.