Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không gian văn hóa hồi sinh, du lịch cất cánh?

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, du lịch Việt Nam đã có các tín hiệu phục hồi, lượng khách đến các không gian văn hóa không ngừng tăng.

Sự đa dạng, độc đáo, riêng có của các không gian văn hóa như di tích lịch sử, công trình kiến trúc - nghệ thuật, các bản làng dân tộc với văn hóa bản địa độc đáo, tập quán, lễ hội, nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực đặc sắc của mỗi vùng miền, địa phương luôn hấp dẫn, thu hút du khách khám phá, thưởng thức và trải nghiệm.

Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, du lịch Việt Nam đã có các tín hiệu phục hồi, lượng khách đến các không gian văn hóa không ngừng tăng. Tuy nhiên, để du lịch cất cánh, xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.

Bài 1: Gìn giữ, khai thác giá trị văn hóa trong phát triển du lịch

Không gian văn hóa tạo sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch, là động cơ thôi thúc chuyến đi, môi trường tương tác và những trải nghiệm đáng giá cho du khách, qua đó trở thành tài nguyên, nguồn lực chiến lược cho phát triển du lịch.

Bên cạnh đó sự phục hồi, phát triển nhanh của du lịch cũng xuất hiện không ít hệ lụy, đặt ra những bài toán trong bảo tồn và phát huy bền vững giá trị không gian văn hóa trong phát triển du lịch.

Rộn ràng khí thế đầu năm

Du lịch Hà Nội đã khởi đầu năm 2023 với những tín hiệu khởi sắc. Trong ngày 1/1/2023, hãng hàng không Vietjet Air tổ chức chào đón hành khách quốc tế đến Hà Nội đầu năm mới từ Osaka, Nhật Bản, tại sân bay Nội Bài, khởi đầu cho một năm mới hứa hẹn những điều tốt đẹp.

Không gian văn hóa sáng tạo trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng
Không gian văn hóa sáng tạo trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng

Trong kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch, nhiều không gian văn hóa trên địa bàn TP ra mắt các chương trình, sản phẩm du lịch mới cũng như tổ chức các hoạt động hấp dẫn nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch.

Quận Hai Bà Trưng khai trương không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận. Quận Hoàn Kiếm hoàn thiện, phục hồi lại điểm tham quan phố bích họa Phùng Hưng. Bảo tàng Văn học Việt Nam với chương trình tour du lịch văn học mới được diễn ra vào buổi tối.

Bên cạnh sản phẩm tour đêm, Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và di tích Nhà tù Hỏa Lò còn trưng bày, triển lãm các tư liệu, hình ảnh về 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên”.

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch (từ ngày 31/12/2022 đến ngày 2/1/2023), Thủ đô đón khoảng 208.000 lượt khách du lịch. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 38.000 lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 170.000 lượt, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 779 tỷ đồng.

Cùng với Thủ đô, các tỉnh, TP khác trên cả nước cũng đón những vị khách du lịch đầu tiên. Phố cổ Hội An đã đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan, mở ra tín hiệu cho một năm mới đầy hứa hẹn của du lịch Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. TP đã tổ chức đón 34 du khách chủ yếu mang quốc tịch Mông Cổ và một số khách Hàn Quốc.

Bà Enkhtuya - một thành viên trong đoàn khách Mông Cổ nói: “Lần đầu tiên đến với Hội An, tôi cảm thấy rất vui, người dân rất thân thiện, thật khó có từ nào diễn tả hết cảm xúc của tôi ngay lúc này. Tôi chỉ biết cảm ơn các cấp chính quyền địa phương, cảm ơn mọi người đã chào đón quá tuyệt vời”.

Cứ thế, các nơi, các ngả đường không khí đầu năm mới 2023 thật sự rộn ràng. Anh Lê Bằng, đến từ huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) chia sẻ: “Ngày đầu năm tôi đến Mỹ Sơn, thật không ngờ gặp rất đông du khách nước ngoài và trong nước. Cầu mong cho tất cả mọi người đều vui tươi, hạnh phúc trong năm 2023 này".

Theo Trung tâm Văn hóa Thể thao Truyền thanh Truyền hình TP Hội An: Năm 2023, chính quyền địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật gây ấn tượng với du khách trong và ngoài nước. Ước tính dịp Tết Dương lịch 2023, Hội An sẽ đón hơn 70.000 du khách.

Khai thác thế mạnh văn hóa

Hiện cả nước có khoảng 40.000 di tích được kiểm kê. Trong đó, hiện có khoảng 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, TP; trên 3.460 di tích cấp quốc gia; 107 di tích quốc gia đặc biệt, 164 bảo vật quốc gia. Bên cạnh đó, có 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới và 14 di sản được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, Việt Nam có 7 Di sản tư liệu được UNESCO ghi danh.

Ngoài ra, Việt Nam còn có 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, đồng thời, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững.

Theo KTS Hoàng Đạo Cầm - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch: “Văn hóa là một yếu tố đặc biệt quan trọng đối với du lịch, là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến của du khách. Văn hóa thực sự là nội lực bên trong của phát triển kinh tế, chính vì thế yêu cầu thúc đẩy loại hình du lịch văn hóa là vấn đề cần được quan tâm. Truyền thống văn hóa lâu đời, bề dày lịch sử sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung của đất nước".

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Huyền Trang - Ban Quản lý danh thắng Tràng An (Ninh Bình) cho rằng, sản phẩm du lịch dựa trên các giá trị văn hóa ngày càng trở thành xu hướng và là sở thích của du khách hiện đại - nhóm khách ngày càng quan tâm tới chất lượng, đặc biệt là nhu cầu trải nghiệm dịch vụ. Vì vậy, các giá trị văn hóa đã trở thành nguồn lực của địa phương cũng như của quốc gia để phát triển du lịch nói chung và du lịch di sản nói riêng.

Những di sản được khai thác hợp lý sẽ góp phần để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, giúp họ có những cái nhìn rõ nét và sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa bản địa còn hiện diện, làm cho họ cảm thấy thích thú và muốn quay trở lại ở những lần sau, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của một vùng, một quốc gia.

Hạn chế tác động trái chiều

Theo các chuyên gia, do tính chất nhạy cảm và dễ bị tổn thương của các không gian văn hóa, đặc biệt là di sản mà quá trình vận động du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát ở nhiều nơi đang gieo rắc không ít những tác động nhiều mặt như: Sự khai thác thương mại hóa quá mức, quá tải về khách, lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản… làm cho di sản nhanh xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị.

Ở khía cạnh khác, tình trạng du lịch có tính thương mại hóa quá mức, nhàm hóa giá trị văn hóa; nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương; gia tăng sự chia rẽ cộng đồng, xung đột lợi ích, mâu thuẫn về quyền tiếp cận tài nguyên, trong đó có tài nguyên di sản văn hóa… đang dấy lên hồi chuông báo động đối với các bên liên quan trong việc quản lý bền vững tài nguyên di sản văn hóa trong phát triển du lịch.

Đơn cử, chùa Cầu ở Hội An, một biểu tượng văn hóa lâu đời của người Hội An hiện đang có nhiều vết nứt, các lớp vữa trên mố cầu bong tróc ngày một nhiều, nhưng vẫn phải tiếp tục đón hàng nghìn người dân và du khách qua lại mỗi ngày.

Và ở nhiều địa điểm du lịch khác, tình trạng khai thác du lịch quá đà, quá tải đã gây nên những câu chuyện đáng buồn khác. Ngoài ra là nỗi ngậm ngùi khi nhiều công trình xây mới đã phá vỡ cảnh quan, môi trường di sản, thậm chí có cả những vi phạm ở chùa Hương, Yên Tử.

Vì vậy, để du lịch thực sự cất cánh như kỳ vọng, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa đối với phát triển ngành dịch vụ, du lịch như ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạch định chính sách quản lý và quy hoạch bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của các không gian văn hóa trong phát triển du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, giá trị văn hóa truyền thống gắn với quy hoạch phát triển du lịch.

 

"Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn trên nguồn tài nguyên văn hóa có sẵn. Trong quá trình đó, nhiều đơn vị chưa chú trọng giá trị bảo tồn mà chỉ mới đang khai thác kinh tế.

Một số DN đầu tư phát triển nhưng không chú trọng đến việc bảo tồn, một số khác nôn nóng khai thác lợi nhuận, xây dựng công trình làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến di sản. Chúng ta phải có trách nhiệm trong quá trình khai thác để phát triển kinh tế. Các DN thể hiện được vai trò của mình trong quá trình khai thác đồng hành với bảo tồn cho thế hệ tương lai để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững." - TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch Việt Nam

---

"Tiềm năng và tài nguyên du lịch văn hóa Việt Nam rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên vẫn chưa được khai thác một cách đúng tầm. Phát triển du lịch văn hóa cần phải có sự phối hợp đồng bộ các giải pháp, sự kết hợp gắn bó mật thiết giữa các ngành, các cơ quan quản lý từ T.Ư tới địa phương, giữa các bên liên quan, trong đó nhấn mạnh vai trò của ngành du lịch và văn hóa." - KTS Hoàng Đạo Cầm - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

(Còn nữa)