Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không gian văn hóa vỉa hè: Bất cập trong quản lý

Lại Tấn - Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vỉa hè ở Hà Nội đang đảm nhiệm vô vàn nhiệm vụ không tên, nhưng những gì đang diễn ra hàng ngày ở đó đã phơi ra những mặt tích cực và tiêu cực, xung đột lẫn nhau giữa ý tưởng và chính sách, giữa luật pháp và cuộc sống, giữa giải pháp và thực thi.

Mỗi nơi quản lý một kiểu

Năm 2014, UBND TP Hà Nội đã ban hành thiết kế mẫu hè phố, vỉa hè đường đô thị trên địa bàn, bao gồm cả hướng dẫn sử dụng và bản vẽ mẫu để nghiên cứu khi lập thiết kế xây dựng và cải tạo hè phố. Trong đó, việc xây dựng phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành. Thiết kế mẫu này cũng yêu cầu đảm bảo nguyên tắc thống nhất, đồng bộ và mỹ quan đô thị trên một đoạn tuyến liên tục, tuyến phố bao gồm kết cấu hè, chủng loại vật liệu, quy cách, kích thước, màu sắc…

Vỉa hè tuyến phố Lý Thường Kiệt được chỉnh trang, sắp xếp gọn gàng. Ảnh: Lại Tấn
Vỉa hè tuyến phố Lý Thường Kiệt được chỉnh trang, sắp xếp gọn gàng. Ảnh: Lại Tấn

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng quy định, vỉa hè phải đảm bảo bằng phẳng, thoát nước và ưu tiên hướng đi dành cho người đi bộ… Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều địa điểm, khu vực vỉa hè được các DN, công ty làm với thiết kế khác hẳn với quy hoạch thiết kế toàn tuyến phố.

Tại khu vực đường Láng Hạ (Đống Đa) có một số địa điểm như vỉa hè trước cửa tòa tháp trụ sở VP Bank tọa lạc ở ngã tư Thái Hà - Láng Hạ được thiết kế xây dựng với phong cách riêng. Khu vực này được lát toàn bộ bằng đá có màu xanh lục tự nhiên cắt theo hình chữ nhật có chiều khoảng 10 x 20cm, bó vỉa bằng đá tự nhiên.

Hai lối lên xuống được thiết kế rộng choán hết vỉa hè, có độ dốc cao, được lát bằng nhiều block bằng đá tự nhiên nhỏ, có kích thước khoảng 10 x 10cm. Bên cạnh đó, vỉa hè trước cửa Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng được lát bằng đá tự nhiên màu trắng, xanh kích thước 20 x 20cm, bó vỉa bằng đá tự nhiên. Trong khi đó, tuyến phố Láng Hạ, Thái Hà được thiết kế bằng gạch block có màu đỏ thẫm, kết hợp màu xanh.

Tại các khu phố mới được TP Hà Nội đầu tư xây dựng lát lại bằng đá tự nhiên cũng xuất hiện tình trạng “chơi trội”, phá cách. Tại phố Nguyễn Du, vỉa hè trước cửa trụ sở của một tập đoàn lớn được lát lại bằng đá tự nhiên kích thước 30 x 30cm khá đẹp nhưng “quên” phần đường có rãnh dành cho người khuyết tật.

Cạnh đó, vỉa hè trước tòa nhà của một ngân hàng được lát bằng đá tự nhiên khác, có màu xanh lục, kích thước 20x40cm khá đẹp và chắc chắn, bó vỉa bằng đá tự nhiên không có phần hạ thấp… Trong khi đó, toàn tuyến phố này lát đá màu trắng, kích thước 30 x 30cm.

Với lĩnh vực đô thị, giao thông vận tải, an toàn giao thông, sau thời gian triển khai kế hoạch lập lại trật tự công cộng khu vực lòng đường, vỉa hè, hầu hết các tuyến đường, phố thuộc khu vực nội đô trên địa bàn Hà Nội đã được chính quyền địa phương kẻ vạch, phân định khu vực để xe và phần đường dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, việc này lại được triển khai mỗi nơi một kiểu, khiến bức tranh đô thị trở nên lộn xộn.

Đơn cử, tại các tuyến phố như Trung Kính, Cầu Giấy, Nguyễn Phong Sắc, Lê Văn Lương, Giảng Võ, Xã Đàn, Nguyễn Lương Bằng, Hàng Bông… vỉa hè được kẻ vạch, bố trí điểm để xe máy, xe đạp áp sát nhà dân theo hướng đầu xe quay vào trong theo đúng quy định. Trong khi đó, tại các tuyến phố như Hàng Trống, Bà Triệu, Lý Thái Tổ… vị trí để phương tiện lại được đẩy ra sát mép hè.

Cũng tại các tuyến phố này, nơi thì quy định đầu xe hướng ra ngoài, chỗ lại hướng vào trong. Thậm chí, ngay trên cùng tuyến phố Hàng Trống, trong khi dãy bên số chẵn xe được xếp thẳng hàng sát mép hè theo hướng quay đầu ra ngoài, nhưng phía dãy số lẻ, đầu xe lại hướng vào trong. Sáng tạo hơn, toàn bộ vỉa hè trước cửa Cung Thiếu nhi Hà Nội (36 Lý Thái Tổ) còn được tận dụng để bố trí đến hai hàng xe, mỗi hàng quay theo một hướng.

Dẹp loạn, tăng cường... nhưng vẫn không hiệu quả

Nạn lấn chiếm vỉa hè từng là chủ đề “nóng” vào năm 1995 khi Nghị định số 36/1995/NĐ-CP của Chính phủ về “Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị” được ban hành, trở thành cơ sở pháp lý quan trọng cho việc “giành lại” vỉa hè.

Tại khoản 4, Điều 1 Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 3/9/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 cũng quy định rõ kích thước của một vỉa hè chuẩn dành cho người đi bộ cùng với những quy định về mức phạt khi các hộ dân cố tình sử dụng trái phép lòng đường, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện...

Tháng 3/2017, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, bao gồm các hành vi vi phạm tại lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện. Tuy nhiên, những nỗ lực trên vẫn chưa mang lại hiệu quả mong muốn khi tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra trên nhiều TP của Hà Nội.

Rất nhiều thuật ngữ đã trở thành quen thuộc như “quyết tâm”, “quyết liệt”, “mạnh mẽ”, “dù khó đến mấy cũng phải làm”, nhưng sau những lời khẩu hiệu hô hào cũng chẳng khác nào "cơn mưa rào thoảng qua rồi chợt tắt". Dẹp trật tự đô thị cũng là hình ảnh tương đồng, mỗi dịp ra quân rầm rộ, một vài tháng lại như “ném đá ao bèo”.

Lực lượng chức năng khuất bóng, vi phạm lập tức mọc ra. Điệp khúc cứ thế, dẫn tới “nhờn thuốc” nhờn luật và thực tế vẫn không ít cảnh tượng người dân vi phạm còn giằng xé, đôi co, thậm chí là va chạm với lực lượng chức năng, vì họ cho rằng vỉa hè là của riêng mình và có quyền được mưu sinh.

Thực tế, những năm qua, Hà Nội luôn lấy làm năm “trật tự, văn minh, đô thị”, với mong muốn làm cho đô thị khang trang, mặc dù đã có chuyển biến, nhưng chưa thực sự mạnh mẽ và bền vững.

Để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó việc tuyên truyền nâng cao ý thức của Nhân dân chưa được quan tâm đúng mức và kỷ cương không được thực hiện ở nhiều nơi. Đi kèm đó là cán bộ không gương mẫu, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho vi phạm, dẫn tới thiếu thuyết phục, thiếu công bằng, nên người dân không tuân thủ triệt để.

Ông Nguyễn Cảnh Thái - chủ một cửa hàng kinh doanh trên phố cổ Hà Nội chia sẻ: Xét trên nhiều phương diện thì có nơi có lúc, nguyên nhân để xảy ra khó kiểm soát là do trách nhiệm từ hai phía là người quản lý và chủ thể sử dụng.

Trước đây, người đứng đầu chính quyền Thủ đô đã đưa ra thông điệp khá thẳng thắn, trung thực, chỉ ra chuyện “chống lưng” vi phạm lấn chiếm vỉa hè của những chủ quán bia, được dư luận đánh giá cao.

Bắt đầu từ câu chuyện những người đứng sau chuyện trục lợi từ vỉa hè, nhìn thẳng vào sự vụ, sự việc sẽ có quyết sách đúng. Giành lại vỉa hè, đồng thời phải tính đến việc giữ lại vỉa hè về lâu về dài. Dù khó khăn và đụng chạm lợi ích lớn nhỏ của nhiều người nhưng cần quyết tâm làm.

Tham nhũng, bảo kê vỉa hè trước đây là dạng lợi ích nhóm; còn thu phí vỉa hè là để phục vụ người dân, nếu chính quyền làm tốt sẽ giúp một bộ phận người dân có công ăn việc làm ổn định, hợp pháp”.

 

"Ở nhiều nơi, kinh tế vỉa hè đã dần hoạt động theo đúng quy luật phát triển như một hệ sinh thái kinh tế đô thị, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, nhiều thành phần. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế lại phần nào mâu thuẫn với quản lý đô thị.

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, cần xem xét các yếu tố xã hội, văn hóa, thương mại chứ không chỉ đơn thuần là yếu tố không gian. Việc duy trì được tính đặc trưng của vỉa hè sẽ giúp cân bằng và hài hòa được nhiều nhu cầu thực tế." - PGS.TS.KTS Đỗ Tú Lan - Hội Quy hoạch kiến trúc đô thị Việt Nam

Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với một số hành vi lấn chiếm vỉa hè như sau: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi: Bán hàng rong hoặc bán hàng nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng.

Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau: Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống.

(Còn nữa)