Sáng 21/5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội quanh vấn đề đang gây phản ứng khá mạnh mẽ từ dư luận về việc Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các địa phương "chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan có trách nhiệm trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến đề thi như lộ đề thi, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi… (nếu có)", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích: Vì đã có hiện tượng báo này, báo kia, nhất là các báo "mạng" nghe là đăng, xong mai xác minh lại thì sự việc không có thật. Việc này để lại hậu quả xấu.
Nhiều người băn khoăn trước quy định này, Bộ trưởng nói gì về vấn đề này?
- Tôi khẳng định, cho đến thời điểm này tất cả các tiêu cực phát hiện được đều từ báo chí, còn cơ quan của Bộ chưa đưa cho tôi thông tin nào cả, nên không có lý gì không phối hợp với báo chí. Tinh thần của Bộ là đề nghị các địa phương trao đổi để việc phối hợp cung cấp thông tin có hiệu quả chứ Bộ không giới hạn chuyện đưa tin. Vì thế, chúng tôi cũng đề nghị báo chí đưa tin cân nhắc thận trọng, nên có sự thẩm định với cơ quan có trách nhiệm trước khi đưa tin. Còn việc Bộ hoặc chỗ nào đó nhận mà không xử lý, cơ quan báo chí vẫn có thể đăng tiếp và đăng luôn cả những thông tin rằng: Chúng tôi đã phản ánh mà cơ quan này, ông này, bà kia không xử lý thông tin những tiêu cực trong giáo dục một cách thấu đáo.
Phát đề thi tốt nghiệp THPT năm học 2012.Ảnh: Bích Ngọc
Như vậy, có nghĩa trong ngành giáo dục chưa phát hiện được những sai phạm, vậy theo Bộ trưởng, Bộ phải làm gì để tự ngành đấu tranh với tiêu cực?
- Chúng tôi đang triển khai mạnh mẽ việc này và trong khi chưa có hiệu quả, ngành phải sử dụng những thông tin báo chí phát hiện, cung cấp. Phải thừa nhận, phần lớn những vụ tiêu cực chúng tôi xử lý vừa rồi là do báo chí đưa tin. Từ đó, Bộ đã xử lý rất nghiêm túc những sai phạm. Báo chí là lực lượng đắc lực phục vụ cho công cuộc đấu tranh chống tiêu cực của ngành giáo dục.
Trong kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT đã hủy bỏ quy định cấm thí sinh mang các vật dụng gắn linh kiện điện, điện tử vào phòng thi nhằm thực hiện quyết liệt hơn phòng chống gian lận trong thi cử. Bộ trưởng kỳ vọng gì ở quy định này?
- Trước hết, đây là tác động về mặt tâm lý. Tất cả quy chế cho đến thời điểm hiện nay đều với một giả thiết là thầy giáo và cán bộ quản lý tốt đi giám sát học sinh cho nghiêm chỉnh. Nhưng thực tế, có thầy giáo, cán bộ quản lý chỉ đạo cũng vi phạm, trong khi quy chế chưa có giám sát đối tượng này. Học sinh cũng là chủ thể của nhà trường, cũng có thể có gian lận, vi phạm, nhưng nhiều em trung thực, đấu tranh, mình không có lý gì không sử dụng lực lượng ấy. Cho nên, thầy cô giáo cũng cảm thấy trên đầu có cái "camera vô hình" nào đấy, phải nghiêm chỉnh.
Vậy, Bộ trưởng có tin tưởng các quy định chống tiêu cực mới trong kỳ thi này sẽ phát huy tác dụng?
- Phải thừa nhận, mặc dù chúng ta đã có nhiều biện pháp đấu tranh chống tiêu cực, nhưng những người có hành vi tiêu cực cũng luôn tìm cách để đối phó bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Vì vậy, chúng ta phải kiên trì, chưa thể có phương thuốc chữa hết bệnh ngay được. Tôi nghĩ, phải đưa ra các giải pháp, theo dõi tình hình thực tế và thấy phù hợp thì tiếp tục đẩy mạnh, thấy chưa phù hợp tiếp tục điều chỉnh. Hiện không chỉ đấu tranh về mặt đạo đức, mà phải cả về công nghệ, kỹ thuật và trách nhiệm. Đây là một cuộc đấu tranh kiên trì, từng bước, từng bước một.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!