Đi cùng với đó là 3 trọng tài chính bị đình chỉ làm nhiệm vụ: Trọng tài Nguyễn Đức Vũ trong trận Hà Nội FC - Than Quảng Ninh ở vòng 1; trọng tài Nguyễn Ngọc Châu trong trận Hà Nội FC - HAGL ở vòng 3; trọng tài Nguyễn Trung Kiên (B) trong trận SLNA - Quảng Nam FC ở vòng 5.
Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao mới qua những vòng đầu tiên, các trọng tài đã mắc quá nhiều lỗi chuyên môn nặng? Các đội bóng thì nhanh chóng đổ lỗi cho tư tưởng có vấn đề. Giới chuyên môn thì nhận định, còn quá sớm để nhìn nhận sự việc theo hướng tiêu cực. Có chăng là sự cẩu thả trong tác nghiệp cùng chuyên môn kém của các trọng tài.
Vấn đề đặt ra là tại sao chuyên môn có vấn đề nhưng các trọng tài vẫn được phân công làm nhiệm vụ? Ban tổ chức giải đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình là tập huấn cho mùa giải mới một cách kỹ càng? Thực ra đổ hết lỗi lên Ban tổ chức giải là không hợp lý, bởi trước mùa giải, họ đã làm rất gắt việc tập huấn và kiểm tra chuyên môn các trọng tài. Thậm chí, lần đầu tiên VFF đã mời những giảng viên hàng đầu từ AFC đến Đà Nẵng trực tiếp đứng lớp các trọng tài Việt Nam . Những kiến thức mới, những kinh nghiệm trong điều khiển trận đấu đã được truyền thụ với mong muốn công tác trọng tài sẽ có nhiều đột phá.
Nhưng rút cuộc, các trọng tài vẫn mắc những lỗi sơ đẳng khiến VFF phải đối diện với nhiều áp lực từ dư luận. Phải chăng sự cưng chiều và mặc định trọng tài là “Vua sân cỏ” khiến họ đánh mất sự cầu thị, cẩn thận trong quá trình điều khiến trận đấu? Các trọng tài thường không theo được những tình huống khó nhưng cũng không chịu tham vấn đồng nghiệp khi biến cố xảy ra và cuối cùng phải trả giá.
Mới qua 5 vòng đấu nhưng đã có tới 3 trọng tài bị “treo” còi. Dư luận cho rằng, cứ đà này, VFF sẽ thiếu trọng tài. Nhưng không phải vì thế mà nương tay cho những người mắc lỗi. Và ngay cả khi phải dùng trọng tài ngoại thì cũng là điều cần phải làm để có sự tiến bộ.