70 năm giải phóng Thủ đô

Không khí Hà Nội ở mức xấu: Làm gì để tránh mắc những bệnh nguy hiểm?

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra ngoài, đồng thời cần có các biện pháp bảo vệ sức khỏe để tránh nguy cơ mắc những bệnh nguy hiểm.

Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường, chất lượng không khí tại Hà Nội tiếp tục chạm ngưỡng "rất xấu" vào sáng 13/12. Đến trưa chiều có thể chỉ số sẽ giảm xuống, CLKK chạm mức "xấu".
Theo đó, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại hầu hết các trạm quạn quan trắc ở Hà Nội đã vượt xa mức rất xấu với trên 200 đơn vị. Nhiều chuyên gia khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra ngoài, đồng thời cần có các biện pháp bảo vệ sức khỏe để tránh nguy cơ mắc những bệnh nguy hiểm.
 Những ngày chất lượng không khí xấu thì chỉ số ô nhiễm cao, tần suất các bệnh nhân nhập viện do các bệnh lý về hô hấp và tim mạch cũng tăng cao.
Lo ngại chất lượng không khí “xấu”
Những ngày gần đây, Hà Nội liên tục phải trải qua các buổi sáng có chỉ số ô nhiễm không khí ở mức đáng lo ngại. Theo thông tin dự báo từ trung tâm KTTV quốc gia, trong những ngày tới điều khí tượng sẽ không có thay đổi nhiều nên có thể chất lượng không khí (CLKK) vẫn sẽ duy trì ở mức này.
Nhận thấy, chất lượng không khí Hà Nội ở mức xấu nên mấy hôm nay, chị Hoàng Thị Hằng (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã có cách chống bụi cho riêng mình và gia đình.
“Tôi rất hạn chế cho con ra ngoài đường. Ở trong phòng, tôi sử dụng điều hòa để lọc không khí và thường nhỏ nước muối cho con khoảng 2 - 3 lần để đảm bảo. Nếu ra đường, tôi gọi taxi cho bé đi hoặc dùng khẩu trang che chắn 3 - 4 lớp. Chất lượng không khí thế này, người lớn còn cảm thấy khó chịu nữa là trẻ nhỏ” - chị Hằng chia sẻ.
Thực tế cho thấy, ngoài nguyên nhân về thời tiết, khí hậu dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí, có một phần nguyên nhân rất lớn là do chính hoạt động của con người. Hiện nay, ở Hà Nội và khu vực lân cận có quá nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp chưa được di dời. Ngoài ra, do khói bụi từ phương tiện giao thông, công trình xây dựng...
Theo các chuyên gia, việc phụ thuộc vào thời tiết để “làm loãng” ô nhiễm không khí là một trạng thái rất bị động của các cơ quan chức năng.
Trước thực tế đó, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đã đưa ra những khuyến cáo cho người dân, trong điều kiện chất lượng không khí như hiện nay, nhóm nhạy cảm (bao  gồm: Trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) cần hạn chế ra ngoài để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi tham gia giao thông mọi người cần tuân thủ triệt để luật giao thông để hạn chế ùn tắc đường. Tăng cường điều tiết giao thông tại một số khu vực có mật độ giao thông cao như: Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai… Các khu vực ngoại thành, người dân cần hạn chế đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp.
Nhiều bệnh lý ảnh hưởng do ô nhiễm không khí
Ths Chu Thị Cúc Hương - Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phổi Hà Nội cho rằng, ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần không khí, chủ yếu là do khói bụi, khí lạ trong không khí làm giảm tầm nhìn, biến đổi khí hậu gây bệnh cho con người và có thể gây hại cho động thực vật.
“Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí và bụi mịn đang bao phủ khắp Hà Nội. Từ đó, các nhà chức trách cần đưa ra khuyến cáo để người dân tự bảo vệ sức khỏe của mình cũng như gia đình. Những ngày chất lượng không khí xấu thì chỉ số ô nhiễm cao, tần suất các bệnh nhân nhập viện do các bệnh lý về hô hấp và tim mạch cũng tăng cao” - Ths Chu Thị Cúc Hương nói.
 Ths Chu Thị Cúc Hương - Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phổi Hà Nội.
Đặc biệt, theo WHO, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm và tỷ lệ này ở đột quỵ não và bệnh lý tim mạch là 25%. Nhưng với các bệnh lý về hô hấp thì các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ lớn hơn rất nhiều, khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý về hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.
“Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là người già, phụ nữ có thai và trẻ em, những người mắc bệnh lý về hô hấp cũng như tim mạch” - Ths Chu Thị Cúc Hương nhấn mạnh.
Điều đáng nói, các bác sĩ về da liễu, nhãn khoa cũng lo ngại về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến mắt và da, có thể gây viêm kết mạc mắt, thay đổi sắc tố da, phá hủy tế bào da, ảnh hưởng đến khả năng tái tạo da và dẫn đến đẩy nhanh quá trình lão hóa da.
Ths Chu Thị Cúc Hương cho rằng, ô nhiễm không khí có thể gây đau đầu, đặc biệt tác động rõ rệt đến chức năng phổi, tăng nặng các bệnh phổi mạn tính như viêm phế quản mạn tính, gây nguy cơ nhồi máu cơ tim cũng như đột quỵ tăng cao.
Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí được các ngành chức năng đưa ra là do các khí thải độc hại của phương tiện giao thông thải ra không khí, các chất thải của các khu công nghiệp chế xuất và do đốt than, đốt rơm rạ… đã gây ra các khí độc hại như CO2, CO… đặc biệt là các chất hữu cơ chưa cháy hết như muội than.
Phòng tránh ô nhiễm bằng nhiều cách
Ths Chu Thị Cúc Hương khuyến cáo, để có thể giảm ô nhiễm, người dân nên thay đổi các nhiên liệu đốt cháy nói trên bằng việc sử dụng điện, bếp từ để ngăn chặn ô nhiễm không khí. Chính quyền nên khuyến khích người dân đi lại bằng các phương tiện công cộng như xe buýt, xe đạp điện để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, giảm mật độ khói bụi và các chất thải do quá trình đốt cháy nhiên liệu xăng dầu thải ra không khí, nhất là giờ cao điểm.
“Đồng thời tạo ra các diện tích cây xanh rộng lớn trong TP, thiết lập các dải cây xanh nối liền giữa các khu vực khác nhau, nhất là ở các khu vực có các tuyến phố có nhiều phương tiện đi lại và hay xảy ra ùn tắc”-chuyên gia nhấn mạnh.
Ngoài ra, chuyên gia cũng lưu ý, người dân nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn có thể lọc được bụi mịn và đeo kính khi ra đường, phần nào giảm được các khí, khói hơi độc hại tiếp xúc đến mắt và đường hô hấp.
Bên cạnh đó, người dân nên dùng các sản phẩm khử khuẩn, thanh lọc không khí giúp cho bầu không khí luôn được trong lành như máy làm sạch không khí có thể giúp loại bỏ bụi, vi khuẩn, virus, nấm mốc, các chất hữu cơ bay hơi giúp cho con người luôn được khỏe mạnh và phòng chống được các bệnh về đường hô hấp trong thời điểm ô nhiễm không khí như hiện nay.