Không khó nếu đã quyết tâm

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Khóa XI cũng như các Nghị quyết gần đây như 18; 19; 20 của Hội nghị T.Ư 6, Khóa XII liên quan đến đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, TP Hà Nội được đánh giá là một trong số điểm sáng triển khai khá tốt.

 TP Hà Nội được đánh giá là một trong số điểm sáng triển khai khá tốt công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả 
Với Hà Nội, do tính chất đặc biệt, nhất là sau khi mở rộng vào tháng 8/2008, nếu các địa phương trong cả nước "khó 1" khi phải đổi mới, tinh giản bộ máy thì Hà Nội "khó 2, khó 3". Đơn cử vài ví dụ như chỉ nội cấp phó giám đốc tại một số sở, sau khi sáp nhập, có rất nhiều vị trí đảm trách. Thậm chí có những sở, ngành có tới hơn 10 phó giám đốc. Để rồi nhiều năm sau, lượng cấp phó mới bớt dần... Rồi chuyện mới đây thôi, khi Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội Tô Quang Phán phát biểu tại một cuộc họp, ông đã rất thật kể ra đơn vị của ông có đến 700 cán bộ, phóng viên và nhân viên (CBPV,NV) trong đó, theo ông cảm nhận thì có đến 40% trong số này là làm việc không hiệu quả. Vậy mà lãnh đạo cũng không hủy bỏ hợp đồng lao động được. Cũng không có nhà đài địa phương nào trong cả nước mà có đến 140 lãnh đạo từ cấp phòng trở lên. 
Cũng phải thôi khi thời điểm mở rộng Hà Nội, lãnh đạo tỉnh cùng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tây đã ra nhiều quyết định tuyển dụng. Và khi bàn giao cho Hà Nội chỉ còn 10/200 CBPV, NV của nhà đài là diện hợp đồng tạm tuyển. Còn lại đều yên vị trong biên chế thì làm sao tránh được chuyện 40% không làm được việc nhưng khó cho nghỉ việc. Chưa nói đến chuyện họ còn là "con ông nọ, cháu bà kia".

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây khi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau Kỳ họp thứ 6, HĐND TP Khóa XV thì đến nay Hà Nội đã cơ bản hoàn thành sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: TP đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy của 24 sở và tương đương.
Sau sắp xếp đã giảm từ 204 phòng xuống còn 158 phòng (giảm 46 phòng); giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng; thống nhất tổ chức 12 phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở giảm 121 đơn vị, từ 401 đơn vị xuống còn 280 (bằng 30,2%); giảm 95 phòng, 45 trưởng phòng,19 phó trưởng phòng; giảm 8 trụ sở làm việc. Các đơn vị sự nghiệp công lập huyện giảm 110 đơn vị, từ 206 xuống còn 96 (bằng 53,4%); giảm 7 phòng, 71 trưởng phòng,32 phó trưởng phòng; giảm 30 trụ sở làm việc...

Đối với Ban Quản lý dự án, hoàn thành sắp xếp 70 Ban Quản lý dự án các dạng xuống còn 41 đơn vị… Mặc dù vậy, quá trình thực hiện vẫn bảo đảm hiệu quả công việc và chưa để xảy ra đơn thư khiếu nại của người lao động. Đó là điều rất đáng mừng.

Theo thông báo từ cuộc giao ban trực tuyến toàn quốc của ngành Tổ chức mới đây thì đến hết tháng 6/2018, cả nước vẫn còn những 9/63 Ban Tổ chức cấp ủy trực thuộc T.Ư chưa có tham mưu cấp ủy ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Kế hoạch 07/TW của Bộ Chính trị về thực hiện "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Đây quả là điều thật đáng lo bởi thời gian thực hiện mục tiêu cả nước sẽ tinh giản bộ máy cho đủ 10% vào năm 2021, liệu có kịp? Điều này mới thấy những địa phương đang nỗ lực triển khai kế hoạch sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị ở rất nhiều lĩnh vực như Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Điện Biên, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Nam... là sự quyết tâm rất lớn cần đẩy mạnh trong thời gian tới.