Hàng loạt giải pháp đã được đưa ra để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng quyền lực của một người hoặc một nhóm người khi họ đại diện cho Nhân dân thực hiện, nhưng lại không vì dân vì nước. Vì thế, hàng loạt những vi phạm nghiêm trọng trong đời sống kinh tế - xã hội đã xảy ra cũng có phần xuất phát từ việc lạm quyền và bị tha hóa từ quyền lực của một số không nhỏ cán bộ lãnh đạo.
Những ví dụ điển hình trong vấn đề hệ trọng này có lẽ không thể không nhắc đến những vụ như ở TP Đà Nẵng gần đây, trong đó có vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”). Chỉ với cái mác là Giám đốc một “DN bình phong” của Tổng cục Tình báo (Bộ Công an), anh ta đã nhân danh để thôn tính đất công biến thành đất của tư, gây thất thoát cho nhà nước khoảng 20.000 tỷ đồng thì khủng khiếp quá.
Người ta cũng thừa biết, phía sau của những người lạm quyền này phải còn ai có chức, quyền cao hơn thế nữa “chống lưng”, họ mới làm nổi chứ! Song, dù có là ai chăng nữa thì vai trò lãnh đạo của cả tập thể Đảng bộ TP này xem như bị lu mờ đến độ khó hiểu. Chỉ có vậy thì họ mới lạm dụng quyền lực được như thế.
Một vụ việc nổi cộm khác xảy ra tại Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) khi người đứng đầu Tổng cục đó đã cùng người đứng đầu Cục Phòng chống tội phạm Công nghệ cao lại bảo kê cho “Tập đoàn tội phạm đánh bạc công nghệ cao” của Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương để họ thu lời cả chục nghìn tỷ đồng trong thời gian cực ngắn. Thật là may, chính trong nội bộ ngành công an chúng ta đã kịp thời phát hiện ra “lỗ hổng chết người” này, để nghiêm trị.
Gần đây nhất, không thể không nhắc đến vụ đình đám giữa Công ty CP Mobiphone mua 95% cổ phần của Công ty Nghe nhìn AVG với “giá trên trời”, đắt gấp 3 - 4 lần thực giá để rồi mặc nhiên cho Nhà nước bị rút ruột đến 7.000 tỷ đồng chia chác nhau. Qua đó cho thấy quyền lực của một số người từng đứng đầu Bộ TT&TT khi bị tha hóa quyền lực, thật đáng sợ đến nhường nào.
Nhân dân đã trao quyền cho một nhóm, thậm chí trao cho một cá nhân đại diện Nhân dân thực hiện. Chính vì thế, một khi người được trao quyền lực nói trên làm đúng, làm tốt, lại có sự kiểm soát quyền lực chặt chẽ, bài bản thì sẽ rất tốt; còn nếu không lại thật tai hại khôn lường như các trường hợp trên.
Tha hóa quyền lực là việc thực hiện không đúng, không đầy đủ, không hết hoặc vượt quá quyền lực được trao trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình như: Lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, không thực hiện hay thực hiện không hết quyền lực được trao. Nhiều ý kiến cho rằng, xã hội càng văn minh thì sự tha hóa quyền lực càng tinh vi. Điều này thật không hề sai chút nào.
Vì thế, khi quyền lực Nhân dân trao cho tổ chức, cho nhóm người, cho cá nhân để không muốn bị tha hóa, cần đồng thời với việc phải kiểm soát quyền lực. Nếu không làm vậy, sẽ còn có nhiều vụ việc sai phạm nghiêm trọng xảy ra kiểu như vài năm về trước ở Tập đoàn Công nhiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), như TCT Hàng hải Việt Nam (Vinalines), như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN)...
Ở những nơi này, quyền lực đã không được giám sát chặt chẽ, nên mới bị những người đứng đầu đơn vị vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của tập thể Đảng bộ cơ sở đó. Dù cái giá phải trả quả là vô cùng lớn, lớn đến giờ, ở nhiều đơn vị chúng ta vẫn chưa khắc phục xong.
Phải làm sao đó nhưng dựa trên cơ sở pháp luật nhằm kiểm soát quyền lực tốt nhất. Chúng ta rất thấm thía sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực. Tổng Bí thư đã hơn một lần nói rằng: Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp để kiểm soát, không nói suông, không kêu gọi suông...
Cùng với quy định đã có, đặc biệt Quy định 2015 về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ sẽ là cơ chế, biện pháp ngăn chặn hữu hiệu biểu hiện lạm quyền, tạo sự răn đe, thực sự kiểm soát quyền lực, tránh tha hóa từ khâu quan trọng nhất là “cán bộ”.