70 năm giải phóng Thủ đô

Không lấy trình độ để chọn học sinh lớp 6

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không tổ chức khảo sát học sinh (HS) đầu năm học, không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 là 2 vấn đề được quan tâm đặc biệt tại Hội nghị giao ban vùng 7 giữa 5 TP (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ) diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.

Những băn khoăn

Chỉ thị về việc Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm (DTHT) ở cấp tiểu học ngay sau khi ban hành đã nhận được sự đồng tình của xã hội. Song dư luận vẫn chưa hết băn khoăn về việc HS tiểu học có thực sự được giảm tải hay không, khi mà các nhà trường hiện nay phải "gồng mình" với hàng chục cuộc thi như Olympic tiếng Anh, giải toán… trong cả năm học.

Phản ánh từ các nhà trường cho thấy, dù biết tổ chức các cuộc thi là tạo thêm áp lực cho cả cô và trò, nhưng với tiêu chí để xét thi đua nên các trường buộc phải tham gia. Mà đã tham gia thì cố gắng đạt thành tích cao, do đó việc đầu tư cho ôn luyện, tập huấn… khiến cả giáo viên và HS đều "quá tải" với các cuộc thi. Với HS, động lực cơ bản khiến các em hăng hái là vì kết quả này được coi là một trong những tiêu chí khi tham gia xét tuyển "đầu vào" lớp 6 THCS có chất lượng.  

 
Giờ Ngữ văn của học sinh lớp 6 trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. 	Ảnh: Phạm Hùng
Giờ Ngữ văn của học sinh lớp 6 trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hơn thế, như ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng bày tỏ, quy định "Không tổ chức thi tuyển vào lớp 6" trong Chỉ thị của Bộ GD&ĐT khiến lãnh đạo nhiều trường băn khoăn. "Chúng tôi là những người quản lý khi đọc Chỉ thị này thì ủng hộ tinh thần không tổ chức DTHT. Tuy nhiên, đối với một số trường THCS, nhất là trường trọng điểm và đối với một số lớp đặc thù như lớp tiếng Nhật, Pháp… ở một số trường nhu cầu đầu vào cao hơn khả năng tiếp nhận thì phải khảo sát ban đầu để làm căn cứ tiếp nhận. Vậy, với những trường hợp này các trường phải làm thế nào? Đề nghị các vụ của Bộ GD&ĐT hướng dẫn chi tiết hơn" - ông Hùng nhấn mạnh. Quả là trước quy định này của Bộ, lãnh đạo các sở GD&ĐT mong muốn Bộ sớm có định hướng cụ thể hơn cho những trường thực hiện theo mô hình chất lượng cao, trường ngoài công lập (chủ yếu tập trung ở các TP lớn, trường lớp có quy mô tăng). Nhiều năm nay, những trường này vẫn tổ chức thi tuyển đầu vào bởi số lượng HS đăng ký dự tuyển luôn cao hơn gấp nhiều lần so với khả năng đáp ứng. 

Điển hình, tại Hà Nội, chỉ tiêu vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam hàng năm khoảng 200 HS, song số lượng đăng ký dự tuyển năm nào cũng trên dưới 4.000 HS. Trường THCS Cầu Giấy, chỉ tiêu là 240, song năm học 2014 - 2015, số HS đăng ký vào trường hơn 2.000 em... Điều kiện dự tuyển của các trường này đều dựa trên tiêu chí học lực giỏi, ngoài ra là các tiêu chí về thành tích, năng khiếu đặc biệt (bao gồm kết quả các cuộc thi, giao lưu…).

“Nghĩ cách” chọn học sinh

Trước băn khoăn về quy định không thi tuyển vào lớp 6, ông Phạm Hữu Hoan - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sẽ nghiên cứu và xin ý kiến cấp quản lý để hướng dẫn các nhà trường trong công tác tuyển sinh năm học tới. "Quan điểm của Sở GD&ĐT là tất cả các trường đều tổ chức xét tuyển theo đúng tuyến. Những trường hợp đặc biệt có thể xem xét điều kiện, nhu cầu thực tế báo cáo Sở để tìm giải pháp. Theo quan điểm của tôi, không nhất thiết phải tổ chức thi mà có thể dựa theo học bạ ở tiểu học và xét chỉ số IQ, bởi việc tổ chức thi tuyển dù theo hình thức nào cũng có thể nảy sinh tiêu cực hoặc gây áp lực với HS" - ông Phạm Hữu Hoan nói. 

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: "Về nguyên tắc không được tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6, không được dùng kiến thức để chọn lọc HS. Tuy nhiên, cách chọn lọc HS như thế nào với những nơi nào mà nhu cầu vào cao hơn khả năng tiếp nhận, các địa phương cũng như các trường sẽ phải nghĩ cách". Theo phân tích của Bộ trưởng, chọn, xét, nhưng không được thi để lấy trình độ văn hóa để chọn vì đây là cấp học phổ cập. Nếu tổ chức bài thi, luyện thi thì dẫn đến một loạt hệ quả và không đúng với chủ trương phổ cập. Nếu thi - kiểm tra văn hóa để tuyển vào, thì sẽ gây nên tình trạng DTHT chứ không phải các cháu và cha mẹ các cháu. Như vậy, nghĩa là tới đây, các địa phương và các trường sẽ phải "nghĩ cách" để chọn HS lớp 6 mà không vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT.