Song chừng đó vẫn chưa đủ để khiến các DN Việt tự tin đương đầu với các tập đoàn khổng lồ nước ngoài. Nguy cơ bị mất thị trường, thậm chí bị “nuốt chửng” là thấy rõ. Các chuyên gia, nhà quản lý và DN đã phân tích và hiến kế để ngành sản xuất và công nghiệp trong nước thoát hiểm và phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập.
Ông Lương Văn Tự - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam: Phải đi theo một liên minh các nhà sản xuất công nghiệp mới Điểm yếu của các DN sản xuất và công nghiệp Việt Nam vẫn là công nghệ. Hầu hết công nghệ đều phải nhập khẩu và trình độ ở mức thấp. Số lượng vốn vay trung và dài hạn cho sản xuất công nghiệp chưa nhiều, lại rủi ro cao. Ngoài ra, chúng ta đang rơi vào bẫy của sự “chuyển dịch công nghệ lạc hậu hoa hồng cao”. Các nước công nghiệp phát triển luôn đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Họ thường xuyên chuyển công nghệ cũ, lạc hậu ô nhiễm sang các nước đang và kém phát triển. Thế giới đã chuyển sang liên minh hợp tác từ lâu nhưng chúng ta vẫn giữ tư tưởng chuyên ngành và chuyên môn hóa kéo dài. Theo tôi, liên minh các hiệp hội ngành hàng nhỏ lẻ cần phải đi theo một liên minh các nhà sản xuất công nghiệp mới, thay vì mỗi lĩnh vực trong sản xuất công nghiệp đều có các hiệp hội nhưng không thành một khối liên kết chuỗi ngành nào biết ngành ấy. Ngoài ra, trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển nhanh, công nghệ thông tin kết nối các nền kinh tế để nâng cao khả năng cạnh tranh, các nhà công nghiệp đã và đang liên kết với nhau ở cấp quốc gia và đa quốc gia, hình thành các tập đoàn lớn mạnh. Do đó, các DN trong nước cũng cần liên kết với DN nước ngoài để hình thành tổ hợp DN đa quốc gia, tham gia thị trường trong nước và vươn ra thế giới. Các liên minh này sẽ giúp các DN trong nhóm làm thị trường cho nhau, tập trung được nguồn vốn lớn mạnh hơn và nâng cao khả năng nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới; nâng cao khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường, từ đó giữ được độc lập và tự chủ nền kinh tế. Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen: Doanh nghiệp cần Chính phủ như một điểm tựa Dưới góc nhìn của người làm trong ngành công nghiệp nhiều năm, theo tôi, để hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, bên cạnh nỗ lực tự thân của DN, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư cũng cần có những hỗ trợ thiết thực giúp DN ngành tôn, thép tận dụng tối đa cơ hội mà quá trình hội nhập kinh tế mang lại, cũng như tạo mọi điều kiện để DN được hỗ trợ, vượt qua khó khăn. Bản thân Tập đoàn Hoa Sen và các DN ngành tôn, thép rất cần sự hỗ trợ của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) trong việc tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo, đào tạo chuyên sâu về phòng vệ thương mại, pháp luật cạnh tranh của các nước; đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ DN xuất khẩu trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Chúng tôi cũng mong muốn Đại sứ quán Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài sẽ tích cực giám sát và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN Việt Nam trong quá trình kinh doanh, thương mại với đối tác nước ngoài; tăng cường cung cấp thông tin thương mại, chính sách pháp luật, thuế, đầu tư… của nước sở tại cho DN Việt Nam muốn kinh doanh, đầu tư tại các nước... Đặc biệt, để tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh cho các DN, chúng tôi mong muốn Chính phủ sẽ đưa ra những chính sách, giải pháp phát triển hợp lý, khuyến khích cạnh tranh công bằng ngay trên sân nhà để các DN tự hoàn thiện mình và nâng cao năng lực cạnh tranh. Có như vậy, chúng ta mới hoàn toàn tự tin sẽ hội nhập thành công với nền kinh tế toàn cầu. Có lẽ chưa bao giờ cộng đồng DN cần Chính phủ như một điểm tựa như bây giờ. Chúng tôi mong muốn một môi trường kinh doanh ngày một thông thoáng không bị níu kéo bởi cơ chế hành chính. Tôi nhấn mạnh tới tính minh bạch, càng minh bạch thì tình trạng nhũng nhiễu, làm việc theo cảm tính, hành chính, quan liêu sẽ càng giảm. Chúng ta phải có một chính quyền phục vụ DN thì mới khích lệ được DN phát triển, DN phát triển mới tạo ra nhiều việc làm và nguồn thu cho sự phát triển đất nước. Ông Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Lấy xúc tiến sản xuất và công nghiệp làm nòng cốt Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2016 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố tháng 3/2016 cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất công nghiệp và xây dựng trong năm 2015 là yếu tố dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 7 năm qua. Tuy nhiên, cũng theo Báo cáo này, 36% DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất định hướng xuất khẩu, tỷ lệ này khá thấp so với con số gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Việt Nam cũng chỉ có 21% DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Phần lớn DN Việt Nam chưa có nhận thức đầy đủ về những thách thức cũng như chưa sẵn sàng để tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. DN cũng chưa chuẩn bị để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực, nhất là trong thị trường lao động và hàng hóa dịch vụ trong nước. Vấn đề đặt ra cho các cơ quan đại diện và xúc tiến thương mại, đầu tư là cần xây dựng và tái cấu trúc mô hình cấp quốc gia tập hợp và xúc tiến cho các DN, lấy xúc tiến sản xuất và công nghiệp làm nòng cốt và kích cầu cho nền kinh tế. Ông Đặng Đức Thành – Chủ nhiệm CLB Các nhà kinh tế Việt Nam (VEC): Thành lập Liên đoàn sản xuất và công nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị thực hiện các cam kết với những FTA tự do thế hệ mới. Trong số này phải kể đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN, FTA với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Hội nhập dẫn đến cuộc cạnh tranh không cân sức giữa DN trong nước và DN nước ngoài ngay tại sân nhà, thể hiện ở 4 mặt là: Vốn, công nghệ, nhân lực, trình độ quản trị. Vì những yếu kém này mà rất nhiều DN Việt Nam đã bán mình cho các tập đoàn nước ngoài. Đó là siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Kinh Đô bán 80% công ty cho Tập đoàn Mondelez của Mỹ, Công ty CP Bất động sản Nam Long bán 49% cho các nhà đầu từ nước ngoài; Công ty CP Nhựa Bình Minh, Công ty Vinamilk bán 49% cho các nhà đầu tư ngoại… Trước thực trạng ấy, xuất hiện nhu cầu cần tập hợp các DN chuyên về sản xuất và công nghiệp cùng liên kết, hợp tác trong cùng một tổ chức ngành nghề, đó là Liên đoàn sản xuất và công nghiệp Việt Nam. Ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển… đều có những mô hình hoạt động như vậy. Mục tiêu hoạt động của Liên đoàn là thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tăng cường năng lực của các ngành sản xuất và công nghiệp Việt Nam; thúc đẩy thương mại hàng hóa, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động; xây dựng nền sản xuất và công nghiệp tự chủ và cạnh tranh. Nhưng để đạt các mục tiêu này, thứ nhất, Liên đoàn cần đề xuất Nhà nước có chính sách giúp đỡ hỗ trợ ngành sản xuất công nghiệp một cách thiết thực, không cào bằng với các DN nhỏ và vừa khác. Thông qua chính sách giúp hình thành, xây dựng một nền sản xuất và công nghiệp mạnh, xây dựng nhiều thương hiệu quốc gia và quốc tế. Hai là, Liên đoàn sẽ xây dựng và định hướng các tiêu chuẩn sản phẩm và định hướng tiêu dùng, hướng đến nền sản xuất và công nghiệp chất lượng cao, thương hiệu quốc gia và quốc tế. |