Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không lo thiếu hụt dự trữ lúa gạo

Trọng Tùng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều nước trên thế giới gia tăng dự trữ lúa gạo.

 Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường 
Trước bối cảnh trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạm dừng xuất khẩu mặt hàng này nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường xung quanh vấn đề nguồn cung lúa gạo.
Hiện nhiều người quan ngại việc sản lượng lúa gạo không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Dịch Covid-19 lan rộng nên nhu cầu thu mua gia tăng tại nhiều quốc gia. Mặc dù vậy, tôi cho rằng, Việt Nam vẫn bảo đảm đủ lương thực cung ứng trong nước. Bởi với tình hình thời tiết hiện nay, diện tích canh tác lúa gạo năm 2020 của Việt Nam ước đạt 7,3 triệu ha và sản lượng sẽ đạt khoảng 43,5 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng và dự trữ gạo của cả nước năm 2020 dự kiến chỉ khoảng 30 triệu tấn. Do đó, việc thiếu lương thực gần như sẽ không xảy ra.
Việc Trung Quốc và Thái Lan giảm sản lượng do ảnh hưởng của hạn hán và dịch Covid-19 có thể khiến thị trường lúa gạo thế giới bị xáo trộn. Ngành nông nghiệp có kế hoạch gì trước tình hình này?
- Thực tế, nếu nhu cầu thế giới tăng, Bộ NN&PTNT có thể sẽ tính đến việc tăng diện tích canh tác lúa khoảng 50.000ha vào vụ Thu Đông 2020. Tuy nhiên, việc tăng diện tích này cần được tính toán chặt chẽ trên cơ sở cung cầu. Ngoài ra, để có thể tăng diện tích canh tác lúa sẽ phải cập nhật khảo sát về điều kiện nguồn nước. Mặc dù vậy, những năm qua, điều kiện nguồn nước cơ bản thuận lợi để chúng ta kiểm soát được việc tăng giảm diện tích lúa này.
Theo Chiến lược an ninh lương thực đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần thêm 2 triệu tấn gạo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho khoảng 104 triệu dân. Làm thế nào để có thể bảo đảm an ninh lương thực trước yêu cầu trên, thưa ông?
- Với diện tích canh tác hiện nay, Việt Nam vẫn sẽ bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, lượng gạo xuất khẩu có thể sẽ biến động. Mặc dù vậy, cá nhân tôi cho rằng, chúng ta không nhất thiết phải đặt mục tiêu xuất khẩu đến 6 – 6,7 triệu tấn gạo như những năm vừa qua. Thay vào đó, hoàn toàn có thể tăng sản lượng xuất khẩu các ngành hàng chuyển đổi từ đất lúa truyền thống như rau củ, trái cây, thuỷ sản... Đây đều là những nông sản Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao.
Xin cảm ơn ông!