Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với TS Hoàng Thị Lâm - Phó Trưởng bộ môn Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Đại học Y Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Bà có thể cho biết, chất Salbutamol cần thiết thế nào trong việc điều trị các bệnh liên quan đến hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?
- Salbutamol là thuốc kích thích β2-adrenoceptors có tác dụng giãn phế quản được sử dụng rộng rãi để cắt cơn khó thở ở bệnh nhân hen phế quản, hoặc các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khác. Thời gian khởi phát của thuốc nhanh nên rất hữu ích trong đợt cấp của bệnh. Ngoài tác dụng cắt cơn, thuốc còn được các bác sĩ khuyên dùng cho bệnh nhân hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trước khi gắng sức... Thuốc có giá cả phải chăng, có thể dùng bằng nhiều đường khác nhau như truyền, uống, khí dung, xịt, hít… nên việc sử dụng thuốc rất được ưu tiên trong điều trị các bệnh này.
Nếu không dùng Salbutamol thì có hoạt chất nào có thể thay thế được không?
- Hiện nay có rất nhiều thuốc giãn phế quản để cắt cơn khó thở do bệnh hen phế quản và các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Mỗi thuốc có một ưu, nhược điểm riêng. Không thuốc nào là không thể thay thế. Tuy nhiên, như tôi nói ở trên, Salbutamol giá cả phải chăng, điều trị hiệu quả nên được ưu tiên sử dụng.
Salbutamol có tác dụng phụ thế nào?
- Tác dụng phụ hay gặp nhất của Salbutamol là run, lo lắng, đau đầu, khô miệng, hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh. Một số trường hợp có thể có rối loạn nhịp tim, rối loạn giấc ngủ. Dùng liều cao, kéo dài sẽ gây tình trạng thiếu hụt kali máu. Như các loại thuốc khác, thuốc có tiềm năng gây dị ứng như mày đay, phù Quinck, nặng hơn nữa có thể gây sốc phản vệ. Hiếm hơn có thể gây co thắt phế quản nghịch thường, nhồi máu cơ tim trên một số bệnh nhân có cơ địa đặc biệt.
Nhiều thông tin cảnh báo, chất Salbutamol nếu dùng lâu dài có thể gây bệnh ung thư, điều này có đúng không? Liệu những bệnh nhân bị hen phế quản điều trị dài ngày bằng Salbutamol có nguy cơ thế nào đến sức khỏe, thưa bà?
- Các nhà khoa học đã thấy sự hiện diện của β-adrenoceptors trên tế bào ung thư vú của người và động vật thí nghiệm. Tuy nhiên, vai trò của kích thích hoặc ức chế β-adrenoceptor trong sự phát triển hay ngăn ngừa ung thư còn có nhiều mâu thuẫn. Có một vài nghiên cứu cho thấy kích thích β-adrenoceptors có vai trò ức chế sự biệt hóa và phát triển khối u. Riêng Salbutamol, đến nay, tôi chưa đọc được bài báo khoa học nào cho biết về nguy hại của thuốc đối với bệnh ung thư.
Salbutamol chỉ nguy hiểm khi sử dụng với liều lượng lớn trong chăn nuôi. Còn khi dùng các chế phẩm của Salbutamol để điều trị, thuốc đã được thẩm định an toàn, và hàm lượng sử dụng rất nhỏ.
Tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội và Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai - những nơi bà đang công tác và điều trị cho bệnh nhân hàng ngày, có tình trạng kháng thuốc không?
- Như đã trình bày ở trên, đây là loại thuốc rẻ tiền, dễ sử dụng, nên bản thân tôi cũng gặp nhiều bệnh nhân sử dụng thuốc này. Nếu bệnh nhân dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ thì ít gặp các tai biến do quá trình lạm dụng thuốc. Hiện nay, do hiểu biết của bệnh nhân được nâng lên, thuốc điều trị hen phế quản phong phú, cộng thêm việc điều trị hen được đưa tới cộng đồng bằng các chương trình phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bằng các câu lạc bộ hen, nên việc bệnh nhân lạm dụng thuốc Salbutamol đơn thuần cũng ít hơn so với trước kia.
Xin cảm ơn bà!
Bác sĩ Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết, Salbutamol là chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Lý do cấm vì nó có hại tới sức khỏe của cộng đồng, nhưng cho đến nay chưa có cơ sở khoa học chứng minh nó gây bệnh ung thư như truyền thông đưa tin. Tại Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai đã có một số bệnh nhân lo ngại Salbutamol gây ung thư nên đã tạm ngừng sử dụng thuốc, hậu quả là phải vào BV cấp cứu, để lại những hệ lụy không nhỏ. |