Không nên tự tin thái quá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Không ít sinh viên (SV) không chịu học, không nhớ bất cứ điều gì trong đầu về kiến thức “cứng”, họ nghĩ rằng cứ search google là có tất cả” – PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Trưởng khoa Quan hệ công chúng, Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho rằng, đó là một căn bệnh phổ biến trong SV hiện nay.

“Nhiều bạn, hỏi đến điều gì cũng không biết, không nhớ nhưng lại rất tự tin. Tôi không hiểu họ tự tin về cái gì. Thế hệ trước, khi thầy cô hỏi về vấn đề mà mình không biết thì SV thường sẽ rất thẹn, xấu hổ và phải về tìm hiểu cho bằng được. Tuy nhiên, bây giờ rất nhiều SV, thậm chí là cả lớp, khi tôi hỏi thì nói em không biết, buổi sau hỏi lại vẫn không biết, nhưng lại cười rất tươi, rất tự tin. “Không biết” đó là trạng thái thế hệ hay câu chuyện về mặt xã hội?

Có một số quan điểm cho rằng, giáo dục chỉ cần phương pháp, những kiến thức về lĩnh vực ấy ở trên mạng, trên sách vở, lúc cần thì mới tra cứu… Điều đó là không đúng! Tôi vẫn tin là phải có kiến thức thật, phương pháp phải đọng lại ở những kiến thức, những ví dụ cụ thể, những câu chuyện cụ thể. Kiến thức không thể thay thế được. Đường ống nước chỉ là đường ống nước khi có nước chảy ở trong, nếu không có nước chảy ở trong, nó sẽ gỉ và trở thành ống sắt gỉ. Kiến thức sẽ làm nên phương pháp, không chỉ tiếp thu kiến thức cứng mà còn bồi dưỡng thêm kiến thức nền, rất nhiều người trẻ thiếu điều này. Hơn nữa, nếu thiếu khát khao học hành, khát khao vươn lên và lấp đầy khoảng trống kiến thức thì mọi lời tư vấn, mọi lời kêu gọi đều không có ý nghĩa gì. Bởi họ có say sưa đâu! Học hành cần sự say sưa, đam mê, nếu không thì với cơ chế giáo dục hiện nay sẽ… bất lực. Chưa kể những người có điều kiện gia đình tốt lại sinh tâm lý dựa dẫm vào gia đình, thậm chí có người hơi ảo tưởng về điều kiện gia đình. Và nhiều người gia đình không có điều kiện nhưng cũng không có ý chí, không lấy đó làm động lực để vươn lên mà vẫn đổ tại cho hoàn cảnh. Tôi cho rằng đó là trạng thái “thần kinh yếu” của giới trẻ. Đây là một căn bệnh khá phổ biến trong giới trẻ. Chưa cần kiến thức, kỹ năng nhưng hoàn toàn có thể lấp đầy chỗ trống ấy với những thái độ, ý tưởng, một ý chí, mong muốn vươn lên”.