- Qua thảo luận tổ chiều 7/12, các đại biểu HĐND đánh giá như thế nào về phương án đổi giờ của UBND thành phố, thưa ông? - Về cơ bản, các đại biểu thống nhất với phương án của UBND với mục tiêu đảm bảo sự ổn định, tránh xáo trộn và giảm lượng người tham gia giao thông ở cùng một thời điểm. Tuy nhiên, có một số ý kiến băn khoăn về giờ vào mùa đông, mùa hè cần thay đổi cho hợp lý. Ngoài ra, cũng có đại biểu đề nghị đưa huyện Gia Lâm vào phạm vi điều chỉnh của đề án nhưng thực ra ùn tắc ở huyện này chủ yếu trên quốc lộ 5. Phạm vi của phương án ở 10 quận nội thành và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm tôi cho là phù hợp. - Theo phương án của UBND thành phố, nhóm chịu ảnh hưởng nhất là học sinh THPT và sinh viên trong khi cán bộ, công chức giữ nguyên giờ làm, tại sao lại như vậy? - Không phải Hà Nội ngại động chạm tới cán bộ công chức. Trên cơ sở phân tích cơ cấu, thành phần, nhóm tham gia giao thông nhiều nhất hiện nay là học sinh phổ thông và sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Điều chỉnh giờ học của nhóm này là ít gây xáo trộn nhất vì nhóm không vướng bận chuyện đưa con cái đi làm. Trong phương án của Hà Nội đề xuất nhóm hai là nhóm học sinh mầm non, tiểu học, THCS bắt đầu học từ 7h30 đến 8h, kết thúc vào 17h30 trong khi cán bộ công chức, viên chức làm việc từ 8h, kết thúc 17h tức là có tính toán tới sự kết nối giữa hai nhóm này. Thực hiện phương án sẽ khiến giờ học, giờ làm của người dân ở Hà Nội cơ bản ổn định, ít xáo trộn đồng thời đạt hiệu quả điều tiết lực lượng tham gia giao thông.
- Hà Nội chịu áp lực như thế nào khi đưa ra phương án đổi giờ? - Thực ra Hà Nội đã có nghị quyết về hạn chế ùn tắc giao thông từ lâu, trong đó có giải pháp đổi giờ. Còn thời gian để từ đề xuất đến hình thành phương án không phải ngắn. Không phải để nghiên cứu, đánh giá một, hai năm thì ra phương án tốt mà cần nhìn vào bản chất, xem có hợp lý. Tôi cho rằng thời gian đó đủ để nghiên cứu và theo dõi, có điều tra ban đầu cơ bản. Đối với phương án do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, khi nghiên cứu thấy có những bất cập nên Hà Nội đã tiếp thu và nghiên cứu để hoàn chỉnh phương án cho mình. Thực ra phương án nào cũng có phát sinh, chúng ta cần tính toán để đạt được mục tiêu hạn chế phát sinh ở mức thấp nhất. So với phương án của Bộ Giao thông, tôi thấy phương án Hà Nôi cơ bản được người dân đồng thuận hơn. - Ông nghĩ sao nếu phương án đổi giờ thực hiện thí điểm ở một, hai quận trước khi áp dụng rộng? - Đổi giờ ở một, hai quận thì không giải quyết được gì cả vì giao thông thành phố là trên diện rộng. Có phải người tham gia giao thông sẽ di chuyển mỗi trên địa bàn một, hai quận đâu? Chưa kể chỗ làm và chỗ ở của người tham gia giao thông đan xen. Thí điểm như vậy là không cơ bản, không rút ra được gì cả. Tôi nghĩ đặt ra một thời gian thí điểm thì tốt hơn chứ không nên hạn chế phạm vi. - Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả biện pháp này trong việc giải bài toán tổng thể về ùn tắc giao thông ở thủ đô? - Đây chỉ là một trong nhiều giải pháp, gồm tuyên truyền vận động, đầu tư hạ tầng, tổ chức lại giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông… Đừng quá kỳ vọng vào nó.
Phương án đổi giờ học giờ làm ở Hà Nội: Nhóm cơ quan, đơn vị quân đội cùng nhóm công nhân lao động tại các nhà máy, xí nghiệp theo ca giữ nguyên không thay đổi. Nhóm sinh viên ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, học sinh THPT bắt đầu học từ 6h30, kết thúc sau 19h. Nhóm học sinh THCS, tiểu học, mẫu giáo, mầm non học từ 7h30, kết thúc 17h30. Cán bộ công chức (cả trung ương lẫn Hà Nội) bắt đầu làm từ 8h, kết thúc 17h. Trước đó, Hà Nội dự định sắp xếp công chức trung ương làm việc sớm hơn công chức Hà Nội 30 phút. Nhóm trung tâm thương mại, dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) bắt đầu từ 9h, kết thúc sau 19h. Việc đổi giờ sẽ được thực hiện ngay từ đầu 2012; phạm vi trên 10 quận và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm. |