Không ngồi chờ an sinh xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đang nằm trong xu thế già hóa dân số nhanh của các nước trên thế giới. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 20% dân số già gồm những người từ 60 tuổi trở lên, kéo theo đó là rất nhiều thách thức.

Làm thủ tục chi trả lương hưu tại phường Trung Tự, quận Đống Đa. 	 Ảnh: Quỳnh Linh
Làm thủ tục chi trả lương hưu tại phường Trung Tự, quận Đống Đa. Ảnh: Quỳnh Linh
48% nữ giới trên 60 tuổi không được hưởng an sinh xã hội

Sáng 19/5, tại hội thảo “An ninh tài chính cho phụ nữ cao tuổi” do Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh - Quỹ Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho biết, tuổi thọ trung bình của người Việt hiện nay là 73,2 (nam 70,6 tuổi, nữ 76 tuổi) và dự báo còn tăng. Tỷ lệ dân số trên 65 tuổi và chỉ số già hóa năm 2014 tăng lên 7,1%, đặc biệt, nữ hóa dân số già cao hơn nam giới. Tuy nhiên, có đến 48% người trên 60 tuổi không được hưởng an sinh xã hội, trong khi tỷ lệ người cao tuổi neo đơn khá cao.

Báo cáo về an sinh tài chính của phụ nữ cao tuổi ở Việt Nam, bà Trần Bích Thủy - Giám đốc Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam cho hay, phụ nữ cao tuổi đang hoạt động kinh tế trực tiếp và gián tiếp chỉ chiếm 34,9% so với nam giới là 45,3%; chỉ có 19% phụ nữ cao tuổi có lương hưu và 9,8% phụ nữ cao tuổi có tiết kiệm. Đặc biệt, nhiều phụ nữ cao tuổi phải làm những công việc không kiếm ra tiền (việc nhà, nội trợ, trông cháu). Đây chính là những thách thức cho Việt Nam, nhất là khi chỉ có 20% người lao động tham gia bảo hiểm xã hội để có lương hưu đảm bảo cuộc sống tối thiểu khi về già.

Thực tế cho thấy, những năm qua, Nhà nước đã nhận thức được tầm quan trọng trong hoạch định các chính sách triển khai an sinh xã hội để chăm lo đời sống cho người cao tuổi. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm chia sẻ, Chính phủ đã giao Bộ LĐTB&XH xây dựng Đề án Đổi mới trợ giúp xã hội Việt Nam, việc quan trọng của an sinh xã hội là đảm bảo đời sống. Song để đảm bảo an ninh tài chính cho người cao tuổi thì không chỉ Nhà nước, mà gia đình và bản thân người cao tuổi phải có sự chủ động từ khi còn sức lao động.

Giúp phụ nữ cách quản lý tài chính 
Để thực hiện an ninh tài chính cho phụ nữ cao tuổi cần phải nâng cao nhận thức cho mọi người. Thêm vào đó, phụ nữ cao tuổi cần phải biết cách quản lý, sử dụng đồng tiền thế nào để sinh lời.
Ông Đàm Hữu Đắc
Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam

Để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, bà Trần Bích Thủy giới thiệu mô hình Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau – mô hình đã được đưa vào một trong những chỉ tiêu của Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi 2012 - 2020. Mô hình này tổ chức tại cấp thôn bản, mỗi CLB có một Quỹ phát triển kinh tế cho người cao tuổi vay để đầu tư vào các hoạt động tăng thu nhập phù hợp. Các hoạt động gồm có Ban chủ nhiệm CLB hỗ trợ làm hồ sơ xin vay; góp ý về ý tưởng sản xuất, kinh doanh; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; chia sẻ kinh nghiệm làm ăn; kết nối với các nguồn vốn khác. Gần 20.000 phụ nữ cao tuổi đã được vay vốn thông qua hơn 800 CLB này, và sau 3 năm tham gia, gần 76% thành viên có thu nhập tăng ít nhất 30%. Đặc biệt, phụ nữ cao tuổi cảm thấy tự tin hơn khi đầu tư vào các hoạt động tăng thu nhập.

Tùy từng đối tượng và vùng miền, phụ nữ cao tuổi nên tìm cho mình cách sinh lời đồng tiền, đảm bảo cuộc sống vật chất khi về già. Tuy nhiên, bà Mary Ann Geronimo - Quản lý cấp cao Trung tâm trường thọ quốc tế Singapore (Quỹ Tsao) cho rằng tiền chưa đủ, mà phải lập kế hoạch cho phụ nữ. Bà Mary Ann Geronimo giới thiệu chương trình đào tạo tài chính của Quỹ Tsao gồm 20 học trình, dành cho phụ nữ trưởng thành (40 - 60 tuổi) đang làm công việc chăm sóc gia đình/không kết hôn và làm việc/cha mẹ đơn thân còn lao động. Tổ chức này đề ra 3 sáng kiến là chăm sóc sức khỏe kết hợp yếu tố tâm lý, xã hội, y tế và dựa vào cộng đồng; giáo dục và đào tạo trong chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng và đảm bảo tuổi già có ích; các chương trình phát triển cộng đồng, nghiên cứu và hợp tác. Với mục đích phụ nữ có và thực hiện một số kế hoạch tài chính cụ thể, sau 5 năm thí điểm, nhiều người tham gia chương trình này nhận ra sự cần thiết phải lập quỹ khẩn cấp trong 6 tháng, biết và sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính nào phù hợp với nhu cầu, theo dõi các khoản chi tiêu một cách cặn kẽ, có khoản tiết kiệm và thư thái khi nghĩ tới việc sống lâu hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm khi áp dụng mô hình này tại Việt Nam, bà Mary Ann Geronimo khẳng định: “Quan trọng là nội dung thiết kế chương trình. Thông qua những yếu tố lãi suất, lạm phát, khái niệm tài chính được định hình, hội viên cùng xây dựng chương trình tài chính cho mình”.