“Làn sóng” khám, điều trị bệnh ngoại tỉnh
Không biết chính xác từ khi nào, tình trạng người dân Quảng Ngãi đi các tỉnh khác để khám, chữa bệnh đã tạo thành “làn sóng” và ngày càng phát triển mạnh mẽ, gây ra rất nhiều hệ lụy.
Một trong những hệ lụy rõ nhất là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào sáng sớm ngày 14/2 vừa qua. Tài xế chở theo 20 người dân Quảng Ngãi trên xe ô tô 16 chỗ đi Đà Nẵng đã gặp tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam, hậu quả làm 8 người tử vong, 13 người bị thương. Trong số bị thương lại thêm 2 người tử vong nữa vì vết thương quá nặng.
Càng đau lòng khi những người trên chuyến xe định mệnh ấy đều là bệnh nhân và người nhà đang trên đường đi khám, điều trị bệnh. Nhẹ thì đau mắt, nặng thì mổ dây chằng, chấn thương sọ não… nhưng tất cả đều lựa chọn ra Đà Nẵng với niềm tin sẽ được điều trị tốt hơn.
Bà Phạm Thị Khanh (xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi)- vợ của một trường hợp tử vong hôm 14/2 cho hay, chồng bà bị đau mắt cách đây mấy năm, thường ra Đà Nẵng thăm khám, điều trị. Lần nào ông cũng đi từ rất sớm và trở về trong ngày. Riêng hôm đó, ông “trở về” sớm hơn thường lệ trong tiếng nấc nghẹn của người thân.
Gia đình bà Khanh không khá giả, thu nhập từ nông nghiệp bấp bênh, nhưng trong câu chuyện kể về quá trình điều trị bệnh của chồng, bà Khanh lại luôn tin rằng, đến nơi khác, bệnh tình sẽ sớm thuyên giảm.
Chuyện người dân Quảng Ngãi vượt đường xa đi các tỉnh khác để điều trị bệnh không phải là hiếm thấy hay mới lạ. Gần thì Quảng Nam, Đà Nẵng, xa hơn thì Huế, TP Hồ Chí Minh... Tình trạng này vừa tăng thêm chi phí, tốn nhiều thời gian, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vì phải di chuyển xa. Thế nhưng, người dân lại có “căn cứ” khi nói về việc thiếu niềm tin đối với hệ thống y tế tỉnh nhà.
Như con trai ông Nguyễn Luận (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa) bị chấn thương khi đá bóng, kết quả thăm khám ở Quảng Ngãi là do giãn dây chằng. Sau mười ngày điều trị, vết thương không thuyên giảm, biểu hiện teo cơ ngày càng rõ. Cả nhà gom góp tiền ra Đà Nẵng kiểm tra, bác sĩ lại kết luận bị đứt dây chằng, rách một phần sụn. Ngày 14/2, vợ ông Luận đưa con đi mổ ở Đà Nẵng theo lịch hẹn, và 2 người mãi mãi ra đi.
Nhiều nguyên nhân
Lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ngãi thừa nhận, tinh thần, thái độ phục của nhân viên y tế tuy có cải thiện nhưng chưa thực sự làm người dân hài lòng là một trong những nguyên nhân chủ quan khiến người dân không tin tưởng vào y tế Quảng Ngãi.
Lý do khác nữa là, tâm lý của người bệnh luôn coi trọng uy tín, chuyên môn, kỹ thuật của bệnh viện tuyến trên. Ngành y tế của Đà Nẵng lại phát triển hơn Quảng Ngãi, nhiều người có điều kiện muốn được khám chữa bệnh chất lượng cao nên lựa chọn đi Đà Nẵng để khám, chữa bệnh.
Theo Sở Y tế Quảng Ngãi, chưa có con số thống kê cụ thể về người dân Quảng Ngãi khám và điều trị tại các bệnh viện Đà Nẵng, Quảng Nam. Tuy nhiên, tình trạng người dân tìm đến những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến cuối, cơ sở khám chữa bệnh có chất lượng cao hơn là tình trạng chung của cả nước, không chỉ ở Quảng Ngãi.
Điều này đã được Bộ Y tế nghiên cứu, thống kê với kết quả có 75% bệnh nhân đến khám bệnh tại các bệnh viện tuyến trên là người bệnh vượt tuyến. Trong khi 56% số người bệnh đó hoàn toàn có thể khám, chữa bệnh ở tuyến dưới.
Đáng chú ý, tại Quảng Ngãi còn có tình trạng nhân lực tại các cơ sở y tế công lập “chảy” về y tế tư nhân do chưa có chính sách phù hợp để giữ chân, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Phạm Minh Đức cho biết, tính từ năm 2018 đến nay, có 130 y, bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập bỏ việc, phần lớn trong số đó chuyển sang làm việc tại các bệnh viện tư. Điều này khiến y tế Quảng Ngãi gặp khó khăn trong việc duy trì, phát triển các chuyên khoa sâu phục vụ người dân.
Việc Bộ Y tế cho phép thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh cũng tạo điều kiện để người dân chọn nơi khám, chữa bệnh. Do đó, nhiều người dân đã chọn cơ sở y tế ngoài tỉnh.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là danh dự của tỉnh
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, người có điều kiện, thu nhập cao, muốn điều trị ở nơi chất lượng, dịch vụ tốt hơn là điều bình thường. Nhưng người nghèo, bệnh không nặng vẫn vượt tuyến đi tỉnh khác để chữa bệnh rõ ràng là bất thường.
“Lãnh đạo tỉnh Quảng ngãi và chính cá nhân tôi không hài lòng với việc phát triển y tế tỉnh nhà cũng như chăm sóc y tế cho người dân”- ông Minh thẳng thắn.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra hàng loạt nguyên nhân như: Yếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị; xã hội hóa y tế kém, không đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, đặc biệt là những người có nhu cầu khám, điều trị chất lượng cao; thái độ của một bộ phân nhân viên y tế chưa tốt... Đồng thời cho rằng, những vấn đề đó y tế tỉnh nhận diện được nhưng chưa khắc phục kịp thời.
"Tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc với y tế, qua đó quyết định bố trí 350 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Trước mặt, bố trí 200 tỷ đồng từ nguồn vượt thu năm 2022 cho ngành y, đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh”- ông Minh chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu quan điểm, vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo chuyên môn cần thời gian nhưng thái độ phục vụ, chấn chỉnh công tác khám, chữa bệnh thì y tế tỉnh cần phải làm ngay, không được chần chừ.
Thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tập trung kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, chia sẻ gánh nặng cho bệnh viện công lập và đáp ứng nhu cầu khám, điều trị chất lượng cao của người dân. Thực tế trong thời gian qua, các dự án đầu tư vào ngành này đều chậm tiến độ do tỉnh chưa có quy hoạch đất cho y tế và vướng pháp lý. Do đó, buộc phải chấm dứt dự án và lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định.
“Tin chắc rằng vài năm nữa, y tế Quảng Ngãi sẽ có thay đổi tích cực, đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Đây là danh dự của Quảng Ngãi chứ không phải riêng y tế tỉnh”- ông Minh khẳng định.