Ngày 13/6, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội nghị Ban điều hành Chương trình cấp nước và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng (PforR) gồm: Hà Nam, Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên. Đây là chương trình cấp nước và vệ sinh nông thôn được thực hiện từ 2013 - 2018, kết thúc giải ngân trước 31/7/2019. Đến nay, kết quả giải ngân giai đoạn 2013 - 2016 đạt hơn 2.500 tỷ đồng, chiếm 61,9% vốn của chương trình. Kế hoạch vốn năm 2017 hơn 540 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng vốn của chương trình.
Theo đánh giá của Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ NN&PTNT), đến nay, công tác chuẩn bị đầu tư các công trình cấp nước sạch từ nguồn vốn PforR tại 8 tỉnh đã hoàn thành, trong đó 48 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 11 công trình đang thi công, 1 công trình sẽ thi công trong năm 2018. Các công trình đã đấu nối được hơn 132.700 hộ gia đình, đạt tỷ lệ 39,05%. Kết quả này đã góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại 8 tỉnh, TP và các xã vùng thực hiện dự án.Đa số các công trình cấp nước sử dụng nguồn vốn của Chương trình được xây dựng có quy mô lớn vài xã đến lớn nhất là 12 xã nên áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tự động hóa cao, vận hành chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, khi thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư của các tiểu dự án đợt đầu chưa phù hợp với điều kiện nông thôn dẫn tới suất đầu tư cao. Phần lớn công trình cấp nước đang vận hành chưa phát huy hết công suất dẫn đến chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chỉ số đấu nối thấp.Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng khẳng định, đây là một chương trình hết sức nhân văn, tạo điều kiện cho các hộ dân ở nông thôn, nhất là hộ nghèo tiếp cận được nguồn nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, theo ông Thắng hiện nay chương trình vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó về công tác quy hoạch và quản lý Nhà nước hiện đang có sự chồng chéo. “Nguồn nước ngày càng có nguy cơ ô nhiễm, thất thoát nếu sử dụng công trình nhỏ lẻ. Do đó, các địa phương cố gắng quy hoạch theo quy mô tích hợp công trình lớn” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.