Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, Hà Nội và một số tỉnh, TP miền Bắc bị úng ngập nghiêm trọng. Hàng loạt gia súc, gia cầm bị chết. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), người dân tuyệt đối không sử dụng thịt gia súc, gia cầm chết làm thức ăn.

Tuyệt đối không dùng thịt gia súc, gia cầm chết làm thực phẩm

Sau khi bão số 3 đi qua, Hà Nội và nhiều địa phương khác rơi vào tình trạng ngập lụt bởi mưa lũ làm thiệt hại nhiều hecta hoa màu, gia súc, gia cầm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Trước tình hình ngập lụt diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, Cục ATTP, Bộ Y tế khuyến cáo người dân vùng lũ tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Cục ATTP khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm ăn ngay như: lương khô, mì gói, nước uống đóng chai...

Có thể thấy, bão lụt và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho thực phẩm dễ bị nhiễm vi sinh vật. Các vùng trồng trọt, chăn nuôi bị ngập lụt dễ khiến rau, củ, quả dập nát, hư hỏng, nhiễm bẩn. Động vật, gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi sử dụng.

Một trang trại nuôi gà tại Hà Nội bị ảnh hưởng ngập lụt.
Một trang trại nuôi gà tại Hà Nội bị ảnh hưởng ngập lụt.

Đề cập đến vấn đề này, TS Từ Ngữ - Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, gia súc, gia cầm chết do mưa bão không phải dịch bệnh nhưng người dân cũng không nên giết mổ lấy thịt làm thực phẩm. Thịt động vật chết đuối thường nhanh chóng hỏng, mất hết dinh dưỡng hoặc nguy hiểm hơn là trong quá trình thối rữa, tạo độc tố gây hại sức khoẻ người tiêu dùng. Ngoài ra, còn dễ nhiễm các vi khuẩn như E.coli, Salmonella… nguy cơ gây ngộ độc cao.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, gia cầm nuôi như gà, vịt… bị ốm, chết vẫn được sử dụng vì nhiều người cảm thấy "tiếc". Hành động này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm do các loại vi khuẩn phổ biến, kể cả lây nhiễm cúm A/H5N1.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm đối với vùng ngập úng, người dân tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.

Ông Đặng Thanh Phong cũng lưu ý các gia đình thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Tất cả đồ ăn, thức uống cần đun sôi; rửa tay sạch trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh. Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, phòng, chống côn trùng, động vật gây bệnh và ruồi, nhặng xâm nhập. Dùng nước sạch, an toàn để chế biến thức ăn, đồ uống và rửa dụng cụ chế biến thức ăn.

Bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn sau mưa lũ

Liên quan đến công tác bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, khắc phục hậu quả bão số 3, Cục ATTP đề nghị Sở Y tế, Ban Quản lý ATTP, Chi cục An toàn thực phẩm các tỉnh, TP khu vực miền Bắc tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn. Trường hợp các nguồn cấp nước như giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng.

Ngoài ra, các đơn vị tăng cường giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng. Khi người dân phát hiện các trường hợp rối loạn tiêu hoá, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm phải kịp thời xử lý.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong kiểm tra mặt hàng thịt gà tại một siêu thị ở Hà Nội.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong kiểm tra mặt hàng thịt gà tại một siêu thị ở Hà Nội.

Theo hướng dẫn xử lý nước mùa mưa lũ của Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế, ở những vùng ngập lụt sau bão, để đảm bảo có nguồn nước sinh hoạt sạch, phòng chống dịch bệnh, người dân cần thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn 

Cụ thể, các hóa chất có thể sử dụng để khử trùng nước, nước giếng như: bột Cloramin B liều 10g/mét khối nước; Clorua vôi 20% liều 13g/mét khối nước; hoặc Clorua vôi 70% liều 4g/mét khối nước.

Người dân có thể sử dụng với xử lý nước giếng theo cách: múc 1 gầu nước, hòa lượng hóa chất như trên vào, khuấy cho tan hết, sau đó dân tưới đều gầu nước này vào giếng; thả cho gầu chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên, kéo xuống khoảng 10 lần cho hòa đều. Sau đó múc nước giếng đã khử trùng dội lên thành giếng để khử trùng. Để nước giếng ít nhất trong khoảng 30 phút mới nên sử dụng.

Người dân cần lưu ý, với nước đã xử lý khi múc lên vẫn chưa được trong hoàn toàn thì cần phải cho thêm bột Cloramin B để tiếp tục xử lý. Nước đã được khử trùng bằng Cloramin B vẫn phải đun sôi mới được uống.

Sau khi khử trùng, người dân ngửi thấy nước có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.

Cục Quản lý Môi trường y tế cũng hướng dẫn, nếu người dân không có hóa chất khử trùng nước, chỉ ăn uống nước đã đun sôi 10 phút trở lên và không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

Các bước làm trong nước bằng phèn chua: sử dụng 1g phèn chua cho 20 lít nước; hòa lượng phèn chua tương đương thể tích nước cần làm trong vào 1 gáo nước cho tan hết; đổ gáo nước vào chum, vại, lu, thùng... rồi khuấy đều; chờ 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

Nếu người dân không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước loại bỏ cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong.

Với nước ăn uống, quy trình xử lý chung như sau: làm trong nước bằng phèn chua hoặc vải lọc; khử trùng nước đã làm trong bằng Cloramin B hoặc Clorua vôi; đun sôi lên và có thể sử dụng để ăn, uống.