Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không tán thành quy định giám sát hoạt động của Đảng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa...

Kinhtedothi - Ngày 22/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Trong đó, quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền hạn, tính độc lập của ĐB Quốc hội, hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của ĐB là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Các ý kiến cũng đồng tình quy định có tối đa 35% ĐB hoạt động chuyên trách, thậm chí có ĐB còn đề xuất nâng số lượng ĐB chuyên trách lên 50%.

Dám chịu trách nhiệm

Đánh giá những quy định về tiêu chuẩn ĐB Quốc hội trong Dự Luật là có trình độ năng lực... còn chung chung, chưa rõ ràng, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) cho rằng: Cần xác định rõ tiêu chuẩn ĐB Quốc hội; tiêu chuẩn và chất lượng của ĐB phải được quy định chặt chẽ, lựa chọn những người thực sự tiêu biểu, xuất sắc, bản lĩnh, trí tuệ, có ảnh hưởng và uy tín tốt để bầu vào Quốc hội nhằm thể hiện và thực hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng góp ý về quy định chung, đừng chọn người có chức vụ. Bởi người có chức vụ soạn thảo văn bản, tham mưu rất khó trừ trường hợp trưởng thành từ chuyên viên. Cùng với đó, ngoài tiêu chuẩn của ĐB Quốc hội "trung thành với Tổ quốc", phải bổ sung thêm: "Phải trung thành với lợi ích dân tộc, quốc gia". ĐB Đương phân tích: "Khi ĐB Quốc hội phát biểu, bấm nút biểu quyết những vấn đề quan trọng quốc gia phải dựa trên lợi ích của quốc gia, dân tộc, Nhân dân. Chẳng hạn sắp tới đây xem xét dự án Sân bay Long Thành phải dựa trên lợi ích của dân tộc".Nhiều ý kiến cũng cho rằng: ĐB Quốc hội phải có năng lực "đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân". Hơn nữa phải có chính kiến, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về hành vi, lời nói của mình. Riêng với trường hợp ĐB chuyên trách phải có tính chất khác với ĐB Quốc hội nói chung. Do đó, phải có tiêu chuẩn về năng lực, trình độ về các lĩnh vực. Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) cùng đồng tình: Quốc hội ngày càng đổi mới, do vậy trách nhiệm ngày càng nặng nề, cần đưa ra tiêu chuẩn cụ thể, gắn với các hoạt động hiện hành với các ĐB Quốc hội. Nên quy định cụ thể thời gian trong năm cho hoạt động của Quốc hội. Quy định như vậy để cử tri thấy rõ thời gian hoạt động có đáp ứng được yêu cầu hay không.

 
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Tổng Thư ký Quốc hội không cần là đại biểu

Đưa ra vấn đề trách nhiệm của ĐB trong quyết định các vấn đề lớn, ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) cho rằng: Dự Luật đã được thay đổi theo hướng tăng cường vai trò của Quốc hội về phân bổ ngân sách Nhà nước nhưng chưa thực sự căn bản. Đề nghị tăng thẩm quyền phân bổ ngân sách để đại diện của người dân thực sự làm chủ, phân bổ nguồn tiền do người dân đóng thuế. Đồng thời, điều chỉnh thẩm quyền của ĐB Quốc hội phải đảm bảo phù hợp với nghị trường hiện nay. Dự thảo quy định ĐB có quyền kiến nghị bằng văn bản mà theo quy định có quyền kiến nghị trực tiếp tại phiên họp toàn thể. Đây là quyền quan trọng, vì vậy, đề nghị quy định không chỉ vấn đề tín nhiệm mà đối với tất cả vấn đề quan trọng của quốc gia.

Các ý kiến cũng cho rằng, Dự Luật cần quy định rõ việc tiếp nhận và xử lý những kiến nghị của ĐB Quốc hội vì thực tiễn thời gian qua cho thấy nhiều kiến nghị tại phiên họp nhưng việc xử lý còn hạn chế và chưa theo một quy trình cụ thể.

Về quy định lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề nghị người được lấy phiếu tín nhiệm mà có 2/3 đánh giá tín nhiệm thấp, nên quy định thêm người này được quyền từ chức. Nếu họ không từ chức thì mới báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm…". Thực tế, về mặt tâm lý, để có kết quả tín nhiệm thấp như vậy có thể họ sẽ muốn từ chức để tránh cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Khi kết quả 2/3 tín nhiệm thấp thì Quốc hội không cần phải bỏ phiếu tín nhiệm một lần nữa" - ĐB Tám phân tích.

Nhiều ý kiến đồng tình với quy định lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội. Tuy nhiên, ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) góp ý: Người đứng đầu Văn phòng Quốc hội nhưng không nhất thiết phải là ĐB Quốc hội, chỉ cần hội tụ đủ các điều kiện thì được Quốc hội bầu để thực hiện chức năng nhiệm vụ quy định. ĐB Tô Văn Tám cho rằng: Lập chức danh Tổng Thư ký là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quốc hội nhưng cần quy định cụ thể hơn quyền hạn, nhiệm vụ của Tổng Thư ký. Đồng thời, làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính hay cơ quan tham mưu giúp việc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Giới hạn “giám sát và phản biện xã hội”

Cùng ngày, Dự án Luật MTTQ (sửa đổi) lần đầu tiên được trình ra Quốc hội và sẽ được các ĐB Quốc hội thảo luận ở tổ ngày 5/11, tại hội trường ngày 12/11.

Thẩm tra Dự án Luật, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành việc không quy định trong Luật việc MTTQ tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng. Nhưng một số ý kiến cho rằng nên quy định để luật hóa một trong những điểm mới của Hiến pháp là ghi nhận chức năng của MTTQ trong việc "giám sát và phản biện xã hội", cũng như quy định Đảng "chịu sự giám sát của Nhân dân". Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Trong điều kiện hiện nay, phải chăng chỉ nên giới hạn phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan Nhà nước cùng cấp có liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân như Dự Luật đưa ra là phù hợp.

Lần đầu tiên luật hóa hành lang bảo vệ bờ biển

Cũng trong ngày 22/10, Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được trình ra Quốc hội. Trong đó, nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra là Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí với những quy định trong Dự Luật, nhằm khắc phục tình trạng xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên, làm cho tài nguyên biển dần bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm môi trường biển diễn biến phức tạp, một số chức năng của vùng bờ bị khai thác quá mức; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia về tài nguyên, môi trường biển trong tình hình khu vực Biển Đông hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp… Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cũng lưu ý: Quy định hành lang bảo vệ bờ biển là nội dung lần đầu được luật hóa, việc xác định chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển sẽ có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ và tác động đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nội dung quản lý này cần được quy định cụ thể trong Luật.

Về bảo vệ môi trường biển và hải đảo, cơ quan thẩm tra cũng đánh giá, Dự Luật đã quy định cụ thể những vấn đề về bảo vệ môi trường phù hợp đặc thù của biển và hải đảo như phân vùng rủi ro ô nhiễm, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển, nhận chìm vật, chất ở biển... Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do tàu gây ra và ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển do các hoạt động nhận chìm ở biển và hải đảo.

Dự Luật sẽ được thảo luận tại tổ vào ngày 13/11 và thảo luận tại hội trường vào ngày 27/11.