Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể áp tư duy doanh nghiệp vào trường đại học

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo PGS.TS Phí Mạnh Hồng, trường Đại học (ĐH) Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), hoạt động của trường ĐH hết sức đặc thù, không giống như sản xuất trong DN, nên Bộ GD&ĐT khó có thể xóa bỏ biên chế để thực hiện hợp đồng lao động giáo viên (HĐLĐ GV).

Biên chế dài hạn nhưng không tất cả
Giảng viên ĐH, ngoài chức năng giảng dạy còn có nhiệm vụ nghiên cứu, làm giàu kiến thức. Đó chính là điểm ràng buộc, nên rất cần người chuyên tâm, thậm chí tham gia giảng dạy một cách dài hạn. Làm nghiên cứu và định hình được năng lực này của người giảng viên, đòi hỏi quá trình rất dài. Quá trình này khác xa với việc sản xuất những sản phẩm hữu hình có quá trình kiểm tra, đánh giá đơn giản so với sản phẩm về chất, đặc biệt là chất lượng sản phẩm của một giảng viên ĐH. Từ những khác biệt đó, ông Hồng nhận định không phải lúc nào cũng có thể áp dụng tư duy của DN vào các trường ĐH để có kết quả tích cực.

Sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội trên giảng đường.

Ảnh: Công Hùng

Việc Bộ GD&ĐT đề xuất xóa bỏ biên chế sang HĐLĐ GV nhằm loại bỏ những người kém năng lực, thu hút người tài dựa trên cạnh tranh về việc làm ở lĩnh vực ĐH đang có nhiều điểm cần bàn. Kinh nghiệm của các nước phát triển như Mỹ thực hiện chế độ biên chế dài hạn cho một bộ phận giảng viên ĐH, chứ không phải tất cả. Thường giảng viên tại một trường ĐH ở Mỹ trước hết phải có bằng TS. Nhưng trước khi trở thành giảng viên chính thức, họ phải trải qua 2 - 3 lần hợp đồng chừng 6 - 7 năm. Để được chấp nhận biên chế suốt đời, giảng viên phải đạt chuẩn, thành tích thể hiện rõ ràng. Ví dụ, ĐH thiên về nghiên cứu, việc nhận giảng viên vào biên chế phải đạt được chuẩn về số lượng công trình nghiên cứu khoa học được công bố và khả năng thu hút tài trợ cho hoạt động này. Họ cũng phải có năng lực liên quan đến giảng dạy, khả năng hoàn thành các hoạt động khác của trường...

Ở các trường ĐH tư thục của Mỹ, GS cũng được bổ nhiệm biên chế suốt đời. Như vậy, việc thiết lập chế độ biên chế dài hạn nhằm bảo vệ những GV có năng lực, kinh nghiệm tránh khỏi sự sa thải một cách không chính đáng vì những lý do khác nhau từ những người quản lý. Hệ thống biên chế dài hạn cũng là cách để nhà trường thu hút được người giỏi.

Hợp đồng = không toàn tâm với công việc

Cái Bộ GD&ĐT cần cải cách là xác định, phân loại rành mạch các loại GV thay vì cải cách xóa bỏ biên chế. 

PGS.TS Phí Mạnh Hồng

Ông Hồng bày tỏ sự đồng tình trước quan điểm GV có năng lực không sợ bị sa thải, nhất là trong điều kiện các trường cạnh tranh nhau, GV có thể chuyển từ trường này sang trường khác. Biên chế là để giữ chân người giỏi, bởi với giảng viên, nếu nhà trường cứ vài ba năm xem xét ký lại hợp đồng, họ không yên tâm với công việc và điều đó bất lợi khi nâng cao chất lượng đào tạo. “Khi họ đã đạt đến trình độ nào đó, cả về thành tích nghiên cứu và kinh nghiệm, được hưởng chế độ làm việc tương đối an toàn, sẽ toàn tâm toàn ý làm công việc chuyên môn. Thậm chí, còn năng động truyền đạt kinh nghiệm cho GV trẻ” – ông Hồng khẳng định.

Một vấn đề nữa đặt ra khi thực hiện HĐLĐ GV là tiêu chí thải loại khó thiết lập, bởi sản phẩm đào tạo khó đo bằng chất lượng giáo dục. Nếu đánh giá GV bằng tỷ lệ học sinh khá giỏi trong lớp học, người ta có thể ra đề thi dễ. Nếu thực hiện hệ thống tuyển dụng biên chế đúng, lấy được những người có năng lực nghiên cứu, giảng dạy thì rõ ràng bản thân họ đã say mê công việc. Cho nên nỗi lo lắng khi đã vào biên chế không còn động lực phấn đấu chỉ là lập luận về mặt lý thuyết. Tất nhiên, không loại trừ một bộ phận nhỏ rơi vào tình trạng này, nhưng không phổ biến.

“Xóa bỏ biên chế dài hạn sang ký kết hợp đồng ngắn hạn sẽ sinh ra lạm quyền của lãnh đạo với những người có quan điểm bất đồng. Khi quyền lực của hiệu trưởng hoặc người lãnh đạo không được kiểm soát sẽ dẫn đến hậu quả xấu trong chất lượng đào tạo” – ông Hồng nhận định và cho rằng, khó xây dựng được tiêu chí có thể thường xuyên đánh giá rành mạch người nào đáng giữ lại, ai phải sa thải trên cơ sở hoạt động này, nhất là trong điều kiện cơ chế quyền lực của các trường ĐH như hiện nay.