Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể chần chừ việc cải thiện năng suất lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năng suất lao động (NSLĐ) là một trong những thước đo năng lực cạnh tranh quốc gia. Vậy nhưng theo tính toán của các tổ chức quốc tế, NSLĐ của Việt Nam chỉ bằng 1/18 của Singapore, 1/6 của Malaysia, 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc.

Cơ cấu lao động  chậm chuyển dịch

Tại Diễn đàn Năng suất lao động Việt Nam 2014 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức ngày 27/11 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân cơ bản khiến NSLĐ của Việt Nam thấp là do cơ cấu lao động còn nhiều bất hợp lý và kỹ năng người lao động chưa cao.

Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam duy trì khá ổn định cơ cấu kinh tế với 18 - 20% GDP thuộc về khu vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng đóng góp khoảng trên 38% và phần còn lại từ 11 - 42% do dịch vụ. Tuy nhiên, cơ cấu lao động lại bất hợp lý khi tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp - ngành đóng góp thấp nhất vào GDP lại chiếm đến 47% tổng việc làm. NSLĐ trong khu vực nông nghiệp là rất đáng lo ngại, chỉ bằng 1/4,5 NSLĐ ngành công nghiệp và khoảng 1/3,4 NSLĐ ngành dịch vụ.
 
Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất đồ điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp                    Thăng Long, huyện Đông Anh. 	Ảnh: Thanh Hảiư
Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất đồ điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Thanh Hải
Theo PGS. TS Nguyễn Bá Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động & Xã hội, cơ cấu lao động hiện nay chuyển dịch rất chậm chạp, lao động trong khu vực năng suất thấp vẫn chiếm tỷ trọng lớn khiến NSLĐ chung của Việt Nam thấp và nguy cơ tụt hậu tiếp tục gia tăng so với các nước trong khu vực.

Một vấn đề khác nữa là chất lượng lao động: Chất lượng, kỹ năng của người lao động Việt Nam vẫn bị "chê" là kém xa nhiều nước trong khu vực. Theo số liệu của Điều tra lao động việc làm Việt Nam, tỷ lệ lao động qua đào tạo khá thấp và không có nhiều cải thiện. Nếu vào năm 2007, tỷ lệ qua đào tạo của lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chỉ đạt 17,4% thì vào năm 2013, con số này cũng không cải thiện đáng kể, với tỷ lệ 18,4%. Sự chênh lệch về chất lượng nguồn lao động thể hiện rõ nhất ở  khu vực nông thôn với thành thị. Ở thành thị, lao động đã qua đào tạo chiếm 30,9%, trong khi ở nông thôn chỉ có 9%. Đây chính là rào cản lớn cho việc cải thiện NSLĐ.

Ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh

Nhìn từ góc độ khác, NSLĐ thấp chính là hệ quả của nền kinh tế quy mô nhỏ lẻ. TS Đặng Thị Thu Hoài - Phó Trưởng ban Chính sách dịch vụ công (CIEM) đã chỉ rõ, đặc điểm quy mô nhỏ thể hiện trước hết ở ngành nông nghiệp, dưới dạng đất đai manh mún, quy mô sản xuất nhỏ khiến cho khả năng ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng lợi ích theo quy mô để nâng cao NSLĐ bị hạn chế. Bên cạnh đó, khu vực DN siêu nhỏ, khu vực kinh tế phi chính thức rất phổ biến, thu hút khoảng 60% lực lượng lao động phi nông nghiệp. "Với quy mô như vậy thì việc gia tăng NSLĐ là rất khó" - bà Hoài khẳng định.

Cải thiện NSLĐ là câu chuyện không thể giải quyết trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu chỉ thảo luận trên bàn giấy và chậm chạp trong việc chuyển dịch cơ cấu, đào tạo lao động, cải thiện kỹ năng thì NSLĐ của người Việt sẽ ngày một tụt hậu so với các quốc gia khác, kéo theo đó là sự thua kém về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Năm 2015, khi hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, làn sóng chuyển dịch nhân công giữa các nước trong khu vực sẽ còn diễn ra mạnh mẽ. Điều này càng đặt ra những thách thức đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành và giới nghiên cứu cần thắt chặt quan hệ hợp tác để tăng cường nguồn lực đầu tư cũng như chất xám cho việc phát triển khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, cần ưu tiên lựa chọn những công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại, dễ ứng dụng và phù hợp để nâng cao NSLĐ, từ đó tạo ra sự tăng tốc về nguồn lực này, làm cơ sở cải thiện sức cạnh tranh đối với lĩnh vực lao động nói riêng và nền kinh tế nói chung.

 
Để tăng NSLĐ, việc cần làm ngay là: Cải thiện chất lượng lao động, khoa học công nghệ, hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, tạo việc làm, gia tăng NSLĐ khu vực Nhà nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, định hướng thị trường, khuyến khích các DN đầu tư mạnh mẽ vào khoa học công nghệ, ưu tiên hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn sang khu vực thành thị, thúc đẩy cải cách DN Nhà nước với việc cổ phần hóa và cải tiến quản trị DN Nhà nước.

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM